Cuộc khủng hoảng Ukraine càng cho thấy sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga, quốc gia cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng để sưởi ấm trong nhà và sản xuất điện. Các giải pháp đã được đưa ra, trong đó ưu tiên hiện nay là tăng tối đa nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Mức nhập khẩu khí LNG đến khu vực tây bắc châu Âu hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Tuy nhiên, bất kỳ lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển nào đều có giá cao hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống từ Nga, đe dọa nền kinh tế châu Âu vốn đang vật lộn với tình trạng lạm phát.
Để làm đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới sẽ tiêu tốn ít nhất gần 76,5 tỷ USD theo thời giá hiện tại, gấp gần 6 lần con số chi ra hàng năm, theo viện nghiên cứu Bruegel.
Một tàu chở LNG từ Mỹ đến TP Swinoujscie - Ba Lan. (Ảnh: Reuters)
Bên cạnh đó, Qatar - một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới cho biết, không có quốc gia nào có thể thay thế nguồn cung cấp của Nga cho châu Âu, bởi hầu hết lượng khí đốt giao dịch đều gắn với các hợp đồng cung cấp dài hạn.
"Qatar đang khai thác hết công suất và không thể đào đâu ra vài triệu tấn khí đốt để vận chuyển tới châu Âu, mà chỉ có thể tìm cách chuyển nguồn cung khí đốt từ các thị trường khác sang. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt của Qatar hiện đang cung cấp cho thị trường châu Á, nơi áp lực cũng rất lớn", ông Jamie Ingram, Biên tập viên cấp cao tạp chí Middle East Economic Survey, cho biết.
Còn tại Mỹ, nơi muốn thúc đẩy xuất khẩu LNG sang châu Âu cũng gặp trục trặc, khi một số quan chức trong Nhà Trắng cho rằng làm như vậy sẽ cản trở nỗ lực hạn chế tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cũng như đối phó với biến đổi khí hậu của chính phủ.
Ở phía nhập khẩu là châu Âu cũng phải đối mặt với vấn đề phát sinh. Phần lớn các cơ sở chuyển đổi LNG thành khí đốt đều nằm ở Tây Ban Nha, Pháp, Anh, nhưng hệ thống ống dẫn tới Đức và sườn đông châu Âu lại chưa hoàn thiện.
"Nói một cách đơn giản về phía nguồn cung, chúng ta đang thiếu rất nhiều lựa chọn thay thế. Để có được nguồn cung cấp khí đốt mới trên toàn cầu, phải xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG mới mất khoảng 3 - 4 năm, vì vậy chúng tôi thực sự bị hạn chế về nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu", ông James Waddell, chuyên gia năng lượng châu Âu, cho hay.
Tuy nhiên, ngay cả khi ở công suất tối đa là 145 triệu tấn, nhập khẩu LNG sẽ chỉ bao phủ một nửa lượng khí đốt từ đường ống của Nga. Chưa kể, căng thẳng ở Ukraine đã khiến giá LNG giao ngay tăng vọt và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!