Liên kết tăng lợi nhuận cho nông dân

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/06/2024 14:46 GMT+7

VTV.vn - "Hợp tác, liên kết, thị trường" là phương châm của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh Đồng Tháp triển khai từ nhiều năm qua.

Liên kết tăng lợi nhuận cho nông dân

"Hợp tác, liên kết, thị trường" là phương châm của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh Đồng Tháp triển khai từ nhiều năm qua. Các số liệu cho thấy nhờ Đề án trên mà lúa gạo – một trong 5 mặt hàng chủ lực của địa phương đã góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân từ 1 - 6 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện các giải pháp kĩ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa, đồng thời triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn, thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ… Bên cạnh đó, tỉnh này cũng chú trọng đến khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có thời điểm đến 90 công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ lúa cho bà con với diện tích gần 50.000 ha. Một số mô hình liên kết mới cũng phát huy hiệu quả. Lợi nhuận bình quân của nông dân trên 1 ha của vụ Đông Xuân khoảng 26 - 34 triệu đồng/ha.

Khẳng định chất lượng và giá trị hạt gạo

Chỉ riêng vụ Hè Thu này, diện tích lúa của Đồng Tháp vào khoảng 186.000 ha. Như vậy, với chuyện liên kết chỉ vài chục ngàn ha thì chưa thể gọi là nhiều. Tuy nhiên, đó cũng đã là nỗ lực rất lớn ở địa phương này.

Ông Nguyễn An Dũng - Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Định An, Đồng Tháp cho biết: "Đề nghị doanh nghiệp ngồi lại đàm phán nâng giá. Trong đó, mình mời 7 doanh nghiệp, họ bỏ phiếu kín, doanh nghiệp mình đưa giá sàn 7.500 đồng, doanh nghiệp nào đáp ứng được giá này thì hợp tác, còn doanh nghiệp khác mình cũng tạo điều kiện cho họ, nói sao cho doanh nghiệp không bỏ mình".

Đó là chuyện khi giá lúa IR 50404 tăng cao, đạt gần 5.800 đồng/kg. Nhận thấy lợi nhuận của những hộ liên kết trồng giống Ngọc Đỏ Hương Dứa bị ảnh hưởng, ông Dũng quyết định ngừng bán cho doanh nghiệp để điều chỉnh giá. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đồng Tháp, nông dân thương lượng với doanh nghiệp thành công và nâng giá bán thêm 500 đồng cho mỗi kg lúa. Ngoài ra, cách bán gạo của HTX này cũng khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Nguyễn An Dũng - Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Định An, Đồng Tháp cho biết thêm: "Doanh nghiệp mình không cho họ kí hết hợp đồng. Nếu họ muốn làm 300 tấn thì mình chỉ để cho họ 250 tấn. 5 doanh nghiệp hụt như vậy, doanh nghiệp nào yếu thì nhờ các doanh nghiệp kia gánh. Đây là hướng đi để nông dân bền vững để phát triển kinh tế cho hộ gia đình".

Liên kết tăng lợi nhuận cho nông dân - Ảnh 1.

Gia tăng chế biến gạo ngay tại hợp tác xã

Cứ thế mà mấy năm nay, ông Kéo mạnh dạn liên kết với HTX Giống nông nghiệp Định An để sản xuất lúa. Một năm 3 vụ, cánh đồng lúc nào cũng xanh tốt. Giờ ông đã quen với chuyện đi thăm đồng kèm theo cuốn sổ ghi chép.

Ông Nguyễn Văn Kéo - Xã Bình Thành, Lấp Vò, Đồng Tháp chia sẻ: "Chủ yếu là mình xịt thuốc gì, phân gì để công ty biết, sau này tách bao gạo ra coi có đúng như đã kí hợp đồng với bên hợp tác hay không".

Cỏ bờ được dọn bằng máy, thay vì phun thuốc, lượng phân, thuốc trừ sâu rầy cũng tiết giảm đến 50%, đảm bảo tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trong khi năng suất vẫn đạt khá, từ 6,8 - 7 tấn/ha.

Từ 30 ha, hiện cánh đồng liên kết đã mở rộng hơn 350 ha của nông dân các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn 5 xã của toàn tỉnh. Nhiều người nói rằng chưa bao giờ họ thấy làm lúa khỏe và vui như lúc này. Đó cũng là câu chuyện thành công của mô hình liên kết.

Gia tăng chế biến gạo ngay tại hợp tác xã

Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa gạo. Những năm gần đây, với tầm nhìn xa hơn ra khỏi cánh đồng, bờ ruộng, một số HTX đã làm thêm dịch vụ xay xát, chế biến gạo, mang lại lợi ích kép cho nông dân thành viên của mình.

HTX Bình Hàng Trung sản xuất gạo an toàn từ năm 2020. HTX đặt hàng 3-4 hộ dân, với diện tích 5 ha, bao tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau mỗi vụ thu hoạch, lúa đi thẳng từ đồng ruộng đến nhà máy, với các loại máy móc như máy xay, máy sàng tấm, máy đóng gói. Lợi nhuận từ gạo đóng góp 15% trong doanh thu của năm. Gần 400 thành viên của HTX nhờ thế được chia tăng lãi.

Anh Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung, tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến: "Thị trường hiện nay gói gọn trong xã và một số lân cận xã. Để có điều kiện phát triển tốt hơn, chúng tôi sau này sẽ xúc tiến giới thiệu sản phẩm của mình đến các địa phương khác, tham gia các hội chợ nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ đến một đơn vị thiên về maketing để họ hỗ trợ mình tốt hơn trong việc quảng bá".

HTX Bình Thành bắt đầu xay gạo bán từ 9 năm trước. HTX đang sản xuất 240 ha lúa chất lượng cao. Một phần sau thu hoạch được HTX thu mua, xay xát, đóng gói thành sản phẩm. Đây là loại gạo tươi, còn cám, giữ hàm lượng dinh dưỡng cao.

Ông Cao Thoại Trường - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, tỉnh Đồng Tháp đưa ra ý kiến: "Mình sản xuất ra gạo chất lượng, mình mới mạnh dạn bán cho bà con hội viên. Nói chung, cán bộ của HTX phải ăn gạo của HTX trước nhất. Làm gì thì làm phải ăn trước rồi bán cho người ta. Mình sản xuất ra mà không ăn thì bán cho người ta, nhiều khi người ta không tin tưởng".

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, còn nhiều HTX khác cũng đang xay lúa, bán gạo ra thị trường, trải đều các huyện, thành phố. Có dịch vụ chế biến gạo tại HTX, nông dân thành viên có được lợi ích kép, trước tiên là được dùng gạo do chính mình làm ra, sau là có thêm giá trị lợi nhuận nhờ cung ứng gạo trực tiếp cho thị trường, giảm bớt khâu trung gian.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước