Lên kế hoạch tiêu thụ khi nhiều nông sản vào vụ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/05/2023 21:40 GMT+7

VTV.vn - Nguồn cung trái cây hiện đang rất dồi dào, đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước hạn chế.

Sản lượng trái cây cả nước trong quý II ước đạt trên 2,6 triệu tấn, thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch.

Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Cung nhiều khiến có thời điểm giá nhiều loại giảm. Tại các vùng trọng điểm vải thiều, ngay từ sớm kế hoạch tiêu thụ đã được các bên đưa ra nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Ngay từ cuối tháng 4, hội nghị kết nối giao thương tìm đầu ra cho trái vải thiều đã diễn ra tại vùng vải Thanh Hà, Hải Dương. Phải đến đầu tháng 6, vụ vải sớm mới cho thu hoạch, nhưng các công tác chuẩn bị trên địa bàn đã gần như hoàn thiện.

"Chúng tôi đã đề nghị với Bộ Công Thương tổ chức chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối trực tuyến với toàn bộ hệ thống thương vụ và tham tán thương mại tại nước ngoài", ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, cho biết.

Lên kế hoạch tiêu thụ khi nhiều nông sản vào vụ - Ảnh 1.

Hiện đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang thu mua vải thiều. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Còn tại Bắc Giang, tỉnh này vừa ký thỏa thuận hợp tác với nhà bán lẻ Central Retail Việt Nam tiêu thụ 300 tấn vải. Hiện đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang thu mua vải thiều. Đến nay, toàn tỉnh đã có 110 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường này.

"Từ đầu vụ, Bắc Giang đã sớm rà soát, tổ chức lại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời đề nghị với Cục Bảo vệ thực vật cấp bổ sung thêm các mã số vùng trồng", ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thông tin.

"Cuối tháng 6, Bắc Giang sẽ cử một đoàn của tỉnh cùng hàng chục doanh nghiệp tham dự hội chợ quốc tế Việt - Trung lần thứ 29 và lễ hội quảng bá nông sản tỉnh Bắc Giang, diễn ra tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc", ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho hay.

Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang đưa trái vải xuất ngoại qua đường sắt, khi ga Kép được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế từ tháng 2 vừa qua.

Hình thành vùng trọng điểm xuất khẩu rau quả Tây Bắc

Có thể thấy, việc các địa phương chủ động lên kế hoạch từ sớm đang giải quyết khá tốt đầu ra cho các loại trái cây vào vụ chín rộ. Còn với nhiều địa phương khác, chế biến sâu gắn với các nhà máy lớn tại vùng trồng, hướng đến xuất khẩu bền vững trở thành mục tiêu không thể khác.

Hôm nay (19/5), nhà máy chế biến nông sản hiện đại công suất lớn tại Sơn La đã chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng địa phương có diện tích trồng trái cây lớn nhất cả nước.

Nằm giữa vùng nguyên liệu gần 90.000 ha cây ăn quả, việc đi vào hoạt động của nhà máy được kỳ vọng đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản xuất khẩu của khu vực Tây Bắc. Từ con số chỉ có khoảng 5 - 7% sản lượng được chế biến, nay đã có thể nâng lên mức 25 - 30%.

Tham dự lễ nhấn nút khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp và địa phương khi hiện thực hóa chủ trương thúc đấy chế biến sâu nông sản của Chính phủ.

Nhà máy có công suất chế biến 52.000 tấn sản phẩm/năm, nằm giữa cao nguyên Nà Sản, cũng là vùng nguyên liệu trọng điểm với 11.000 ha trái cây, trong đó riêng xoài là gần 4.000 ha.

Công nghệ chế biến từ châu Âu và Nhật bản sẽ tạo ra 15 dòng sản phẩm xuất khẩu ra nhiều quốc gia và dự kiến Doveco Sơn La có thể đạt doanh thu 1.800 - 2.000 tỷ/năm từ nông sản chế biến.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất với Chính phủ để tạo điều kiện để có sức hút hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp. Nhân sự kiện này, nó gợi mở nhà nước tác động phần nào, doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, nhiệm vụ của địa phương là gì", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.

Hiện gần 120.000 ha cây ăn quả của Tây Bắc đã có những thay đổi mạnh mẽ về lao động, kỹ thuật và hạ tầng để tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định. Các vùng rau đậu tương, chân vịt, ngô ngọt… cũng đang mở rộng hàng nghìn ha ra các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai… Đặc trưng khí hậu đất đai của Tây Bắc là cơ sở để thuyết phục những khách hàng khó tính nhất như Nhật Bản.

"Bên cạnh trái cây, nhu cầu của Nhật Bản về đậu tương, rau cũng rất lớn, chúng tôi đã nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Trung Quốc, nhưng sản phẩm của Việt Nam đang có một chất lượng khác biệt bởi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm", ông Takeshi Ono, Giám đốc Quản lý Công ty Life Foods, Nhật Bản, cho hay.

Củng cố thị trường trong nước, đồng thời nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục là cơ sở để khai thác hết thế mạnh nông sản nhiệt đới của Việt Nam. Mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay là 55 tỷ USD đang có thêm động lực từ những thay đổi của khu vực Tây Bắc.

Cùng với các giải pháp chủ động tiêu thụ và chế biến sâu, Bộ Công Thương cho biết đang đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử với các hệ thống siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử như Amazon và Alibaba.

Mã số vùng trồng - “Hộ chiếu” cho nông sản Việt vươn xa Mã số vùng trồng - “Hộ chiếu” cho nông sản Việt vươn xa

VTV.vn - Mã số vùng trồng hiện được xem như "tấm vé thông hành" cho nông sản đi xa bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước