Lao động hồi hương: Khi Tết là... "gánh nặng"

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/01/2022 20:33 GMT+7

VTV.vn - Nhiều lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về không có việc làm, không có thu nhập và ít ai tính toán ăn Tết như thế nào.

Áp lực khi trở về quê nhà

2,2 triệu lao động rời bỏ các đô thị, nhà máy, khu công nghiệp để tránh dịch, trong đó người trở về từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là gần 1 triệu; số còn lại là người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và địa phương khác. 

Rất đông trong số họ từng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng phần lớn trở về không có việc làm và không có thu nhập. Nhiều trăn trở, suy nghĩ và cả áp lực khi đã nhiều tháng không có việc làm, không có thu nhập và ít ai tính toán ăn Tết thế nào dù chỉ còn 20 ngày tới.

Chưa bao giờ 2 đứa con anh Toàn (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Yên Bái) hạnh phúc như mấy tháng qua, mấy năm trước, chỉ Tết mới dược gặp cha mẹ thì giờ ngày ngày gần gũi.

Trong khi 2 vợ chồng anh lại lo lắng sau khi từ Long An trở về, đang quen với thu nhập 12 triệu/tháng, giờ không có; nhà còn ruộng, vườn, nhưng loanh quanh cũng chỉ đủ ăn.

"Ở nhà không có việc làm đều, bọn em chỉ làm đồng áng. Nếu có người thuê thì đi làm một vài buổi là hết việc", chị Lã Thị Thảo, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Yên Bái, chia sẻ.

"Cũng muốn làm nhưng dịch bệnh khó khăn, công việc trong đó cũng bấp bênh. Sang năm tới, nếu có sự trợ giúp nào đó, chúng tôi vẫn vào đó làm", anh Nông Văn Toàn, chồng chị Thảo, cho biết.

Phương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đang đi làm thì bố gọi về nhà tránh dịch. Dù 3 tháng lương công nhân bằng cả năm làm ruộng và tiền đóng học của các em đều trông vào đó, nhưng Phương vẫn quyết định trở về. Ở quê nhà không có mấy việc có thể kiếm tiền, ngoài làm ruộng, càng gần Tết, Phương lại tiếc nuối vì mình đã bỏ về.

Lao động hồi hương: Khi Tết là... gánh nặng - Ảnh 1.

Nhiều lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về không có việc làm, không có thu nhập.

"Dịch bệnh kéo dài nên em về. Em cũng định tìm việc ở quanh tỉnh nhưng dịch quá nên hơi khó. Em định ra Tết em đi", chị Lê Thị Phương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) cho hay.

Còn với anh Truyền, lần này trở về là chuyến cuối cùng và anh quyết định tìm việc ở quê để làm. Trước mỗi năm đi xa vài chuyến, dịch kéo dài, mỗi lần đi rồi về, mỗi nơi một kiểu phòng dịch dần dần tạo cho anh tâm lý e ngại.

"Bây giờ dịch bệnh, đi lại cũng phức tạp, nên em định về quê hẳn, chưa tính làm việc gì", anh Nguyễn Xuân Truyền, lao động trở về từ Nghệ An, bày tỏ.

Hầu hết gia đình có người đi làm xa đều không còn là hộ nghèo. Rời làng quê đi làm xa, lương tháng 5 - 7 triệu, gấp nhiều lần làm ruộng, nhưng về chi tiêu hết, tiết kiệm rút dần, chỉ ra không vào, ai cũng nuối tiếc. Gần Tết, với lao động trở về là gánh nặng.

Tạo điều kiện cho lao động ra đi

Không chỉ người lao động, mà các địa phương cũng phải chịu nhiều áp lực vì dư thừa lao động tăng đột biến, thiếu việc làm và an sinh xã hội. Tuy nhiên cơ hội việc làm không phải ít và nhiều địa phương có lao động trở về đã tính toán các biện pháp ưu tiên hỗ trợ cho lao động dịch chuyển quay trở lại nơi làm việc hoặc tìm việc làm mới.

"Động viên người lao động quay trở lại các nơi mà người lao động đã ký kết hợp đồng lao động vì những thị trường này đang có nhu cầu lớn. Thứ hai là phối hợp với một số doanh nghiệp, tập đoàn để cung ứng, dịch chuyển người lao động đến những nơi có nhu cầu lớn và có thu nhập ổn định. Những lao động muốn gắn bó tại địa phương thì tỉnh Thanh Hóa sẽ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động", Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết.

"Tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động, giữa người lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các phiên giao dịch việc làm cũng như sàn giao dịch việc làm online tùy theo hình thức trực tuyến hay gián tiếp", Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ Trần Minh Tuấn cho hay.

"Tổ chức xét nghiệm miễn phí cho người lao động để người lao động trở lại thị trường, đặc biệt đối với tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã có văn bản gừi cho các huyện thị và người lao động nắm được thông tin khi người lao động có nhu cầu quay lại thị trường lao động thì chúng tôi cho tiêm vaccine sớm. Nếu trong thời gian tới, người lao động về nghỉ Tết, có đăng ký tiêm vaccine mũi 3 thì chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ cho người lao động được tiêm để sớm quay trở lại thị trường", Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái Lê Văn Lương nói.

Sau Tết quay lại nơi làm việc

Làn sóng dịch chuyển về quê khiến nhiều ngành nghề thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Còn với người lao động trở về, 4 - 5 tháng ở nhà, không việc làm, không thu nhập, phần lớn đều xác định sau Tết quay trở lại nơi làm việc hoặc đi tìm việc làm mới.

Từ Bình Dương về, bao nhiêu tích lũy, anh Bình (huyện Con Cuông, Nghệ An) dồn vào xây dựng nhà. Đi làm xa 10 năm, tránh dịch cũng là thời gian thực hiện mong ước xây 1 ngôi nhà cho 2 bố con. Nhưng 4 tháng ở nhà, không thu nhập mà còn hao dần tiết kiệm, vẫn tiếc thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hơn 5 năm, anh Bình xác định sẽ đi ngay sau Tết.

Còn với chị Thắm (huyện Yên Bình, Yên Bái), trở về hơn 3 tháng chỉ luẩn quẩn quanh nhà, cơm nước cho 2 con. Trước đi làm theo đội xây dựng ở Hà Nội, không mất tiền ăn ở, tháng còn giữ được 5 triệu, dịch càng kéo dài, càng ít việc nên chị đành phải trở về. Đi làm xa lâu, năm nay đã 45 tuổi, ra vườn chị cũng ngại. Ăn Tết xong với các con, chị lại xuống Hà Nội.

"Ra Giêng, nếu dịch bệnh đỡ, em lại xuống đấy đi giúp việc hoặc nấu cơm, tùy sức khỏe của mình", chị Nguyễn Thị Thắm cho biết.

"Qua Tết chúng tôi cũng sẽ vận động số lao động này tiếp tục tham gia lao động tại các công ty trước kia đã làm việc. Với số lao động mới chưa làm việc tại các tỉnh, chúng tôi đã vận động và sẽ có kế hoạch cho lao động đi làm việc để tăng thu nhập cho lao động trong thời gian tới", Phó Trưởng phòng Lao động huyện Yên Bình (Yên Bái) Đinh Mạnh Toàn nói.

Vợ chồng anh Toàn (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Yên Bái) đã xác định sau Tết trở lại chỗ làm cũ tại Long An. Ở quê không có thu nhập, nhưng 2 vợ chồng đã được tiêm đủ 2 mũi, đi làm cũng yên tâm hơn.

Nhiều chính sách để khôi phục thị trường lao động

Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt; các giải pháp để thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc; duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Lao động hồi hương: Khi Tết là... gánh nặng - Ảnh 2.

Làn sóng dịch chuyển về quê khiến nhiều ngành nghề thiếu hụt lao động nghiêm trọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Chương trình nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

"Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, chúng tôi cũng đề xuất việc hỗ trợ cho người lao động quay trở lại các khu công nghiệp. Có thể sắp tới sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ, chi phí xét nghiệm để lao động quay trở lại. Các doanh nghiệp cũng phải có các giải pháp để giữ chân người lao động, đặc biệt trong dịp Tết, thông qua việc tăng phúc lợi xã hội...; xây dựng hạ tầng các hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm để phục vụ cho các địa phương trong việc nắm bắt thông tin thị trường và điều phối cung cầu trên toàn quốc ", Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Để phục hồi kinh tế, ngoài công tác phòng, chống dịch COVID-19, lao động gắn với sự dịch chuyển là vấn đề lớn cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ đang ưu tiên, bởi các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm đang cần ổn định nhanh nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch. Phục hồi thị trường lao động phải đảm bảo sinh kế và sức khỏe an toàn cho người lao động.

Xoay xở thưởng Tết để giữ chân người lao động Xoay xở thưởng Tết để giữ chân người lao động

VTV.vn - Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng doanh nghiệp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước