Người dân chọn mua hàng trong siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 9/12 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11/2024 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 0,3% trong tháng 10/2024. Con số này cũng thấp hơn dự báo tăng 0,5% trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters với các chuyên gia kinh tế. So với tháng 10, CPI giảm 0,6% trong tháng 11, mạnh hơn mức giảm 0,3% trong tháng 10 và mức giảm dự báo 0,4%. Lạm phát lõi, không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu dễ biến động, đã tăng nhẹ lên 0,3% trong tháng trước từ mức 0,2% trong tháng 10.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 11/2024 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm 2,9% trong tháng 10/2024 và cao hơn mức giảm 2,8% được dự báo.
Mặc dù chi tiêu hộ gia đình đã vượt dự báo trong những tháng gần đây, nhờ các chương trình trợ giá đổi cũ lấy mới cho các mặt hàng ô tô và đồ gia dụng, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để giúp Trung Quốc xoay chuyển nền kinh tế. Thay vì bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã công bố gói nợ 10.000 tỷ NDT (1.370 tỷ USD) vào tháng 11 để giảm bớt tình hình căng thẳng tài chính công.
Reuters cho biết các cố vấn của Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm 2025, thúc đẩy các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động của việc Mỹ dự kiến tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của nước này.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ phải đối mặt các mức thuế quan mới từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, trong khi vẫn đang phải ứng phó với các yếu tố bất lợi khác. Với tình hình này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần thêm các biện pháp kích thích chính sách để củng cố đà tăng trưởng đang mong manh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!