Lạm phát tháng 11 của Mỹ - bước ngoặt thay đổi tình thế

VTV Digital-Thứ tư, ngày 14/12/2022 11:23 GMT+7

VTV.vn - "Tin tốt lành", "dễ thở hơn", "vừa phải" hay "thay đổi tình thế" là những từ người ta dành cho lạm phát tháng 11 của Mỹ.

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Đêm qua (13/12), tâm điểm sự chú ý của thị trường Mỹ là số liệu lạm phát tháng 11 vừa được công bố. Không nằm ngoài dự đoán, lạm phát của Mỹ đang tiếp tục hạ nhiệt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tiếp tục hạ nhiệt với mức tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt mức tăng theo tháng chỉ là 0,1%, thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Số liệu này cũng được công bố đúng vào ngày khai mạc cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và càng làm củng cố thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc FED sẽ có quan điểm "bồ câu" hơn trong thời gian tới. Điều này đã giúp cho Phố Wall có một phiên tương đối tích cực.

Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm

Đi lên ấn tượng nhất là chỉ số Nasdaq khi đi lên hơn 1%, khép phiên ở mức 11.256,81 điểm. Dow Jones và S&P 500 cũng đóng cửa với mức tăng nhẹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 0,3% lên 34.108,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 4.019,65 điểm.

Dẫn đầu đà đi lên của thị trường là nhóm ngành năng lượng và công nghệ, với các ông lớn như Meta, Alphabet đi lên 2 - 4%. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tiếp tục hạ nhiệt sau thông tin số liệu lạm phát tháng 11.

"Thị trường rõ ràng đã có phản ứng tích cực về số liệu CPI mới công bố và nó cũng đi đúng với khảo sát kỳ vọng người tiêu dùng hồi tuần trước. Đồng thời nhà đầu tư cũng bắt đầu mua vào với tâm lý lạc quan khi nhận thấy sự phục hồi ở các lĩnh vực như công nghệ hay tiêu dùng vốn chịu áp lực lớn trong năm nay", bà Liz Miller, Chủ tịch Hãng tư vấn tài chính Summit Place, đánh giá.

Lạm phát hạ nhiệt, người Mỹ vẫn căn cơ

Rõ ràng giá cả hạ nhiệt đã có tác động đáng kể, không chỉ với phố Wall, mà cả nền kinh tế số 1 thế giới nói chung, đặc biệt là gánh nặng với người tiêu dùng phần nào đã nhẹ đi.

"Tin tốt lành", "dễ thở hơn", "vừa phải" hay "thay đổi tình thế" là những từ người ta dành cho lạm phát tháng 11 của Mỹ. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, không mấy người biết giá cả hàng hóa đã giảm như thế nào, nhưng các báo tính toán rất rõ điều này.

Lạm phát tháng 11 của Mỹ - bước ngoặt thay đổi tình thế - Ảnh 1.

Giá cả hạ nhiệt đã có tác động đáng kể với nền kinh tế số 1 thế giới nói chung, đặc biệt là gánh nặng với người tiêu dùng phần nào đã nhẹ đi. (Ảnh: Bloomberg)

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's bình: "Vậy là đã nhìn thấy mức lạm phát vừa phải. Đáng khích lệ nhất là giá cả hàng hóa đã giảm không chỉ ở 1 hay 2 mặt hàng". Số liệu thống kê cho thấy, giảm mạnh nhất là giá điện thoại thông minh, tivi, thịt bò, xe cũ… Trứng giảm ít hơn cả, kế đến là vé máy bay và các đồ thiết yếu khác.

Trang tài chính của CNN tính, lạm phát ở ngưỡng 7,1% có nghĩa là so với tầm này năm 2021, một hộ gia đình Mỹ điển hình vẫn phải bỏ ra thêm 396 USD (hơn 9 triệu đồng) mỗi tháng chi trả cho hàng hóa và dịch vụ, nhưng vẫn còn hơn mức 493 USD như hồi tháng 6 khi lạm phát là 9,1%. Chuyên gia Bernard Yaros của Moody's bình: "CPI tháng 11 một lần nữa củng cố niềm tin rằng bão lạm phát đã qua giai đoạn tệ nhất, song FED vẫn chưa thể "buông lơi" được".

FED sẽ có động thái như thế nào trong thời gian tới?

Với cuộc họp ngày mai, thị trường dự đoán FED sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm % là khó thay đổi. Họ cũng dự đoán thêm là sẽ tăng 2 lần nữa vào tháng 1 và tháng 3 năm sau, mỗi lần thêm 0,25 điểm %.

Bloomberg cho biết các cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt tăng giá sau khi có báo cáo. Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng FED sẽ tạm ngưng chu kỳ tăng lãi suất vào đầu năm sau.

Nếu lạm phát tiếp tục giảm dần như hiện nay, theo chuyên gia Sal Guatieri của BMO Capital Markets: "Sang năm FED chỉ cần ấn nhẹ chân phanh, như thế sẽ tăng khả năng hạ cánh mềm cho kinh tế Mỹ". Nói cách khác là hạ nhiệt lạm phát mà không bị rơi vào suy thoái.

Đánh giá báo cáo CPI tháng 11 là bước ngoặt thay đổi tình thế, trang Marketwatch cho rằng thị trường tài chính sẽ hoan hỷ, bởi như vậy có nghĩa là sang năm, FED sẽ không phải đẩy các mức lãi suất lên trên mốc 5%. Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường của Oanda, cho rằng: "Với tình hình này, người ta có thể kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống đâu đó 3% vào năm tới".

Tuy nhiên trước khi lạm phát giảm sâu được như vậy, người Mỹ phải bước qua mùa lễ năm nay. Khảo sát của Deloitte với 5.000 người mới đây cho thấy, dịp lễ năm nay, mỗi người trung bình chỉ mua 9 món quà tặng, thay vì 16 như năm 2021. Tổng tiền định chi cho cả dịp sẽ giảm khoảng 8 USD (gần 200.000 đồng). Không nhiều, nhưng nó có nghĩa là người ta phải căn cơ hơn trong việc xem ai là người mới thực sự cần tặng quà.

Có thể thấy, trong khi đã có những tín hiệu tích cực, tình hình lạm phát vẫn chưa thể làm người dân Mỹ sớm yên tâm. Do đó cuộc họp chính sách lần này và các động thái tiếp theo của FED vẫn sẽ rất được quan tâm.

Lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt Lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt

VTV.vn - Hiện giá cả tại Mỹ đã hạ nhiệt. Giá xăng dầu hay các loại thực phẩm ở ngoài chợ, đồ điện tử, đồ gia dụng đều giảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước