Lạm phát tăng cao, FED thay đổi lãi suất thế nào?

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 16/06/2021 09:20 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng đang gây sức ép lên cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về chương trình nới lỏng tiền tệ và cả lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 vừa qua được ghi nhận là tăng cao lên ngưỡng 5%, so với mốc 3,6% trong tháng 4.

FED vừa kết thúc ngày họp đầu tiên trong 2 ngày họp được coi là quan trọng nhất trong năm của cơ quan này. Nó quan trọng bởi đây là thời điểm dịch gần như đã được kiểm soát ở Mỹ nhờ vaccine, còn nền kinh tế đang hồi phục.

Lạm phát tăng cao, FED thay đổi lãi suất thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: CNBC).

Hãng thông tấn Reuters cho biết chứng khoán Mỹ bị bán ra khi chỉ số lạm phát cao vừa được công bố. Đây có thể là sức ép khiến FED rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn quan điểm của quan chức FED rằng lạm phát cao chỉ đang là tạm thời. Nó chỉ là kết quả của việc nền kinh tế mở cửa sau một thời gian bị "bóp nghẹt". Các dữ liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cao chủ yếu đến từ các mặt hàng liên quan tới mở cửa như: ô tô đã qua sử dụng, bảo hiểm xe, vé máy bay và thực phẩm…

Lạm phát tăng sau khi nhiều bang mở cửa trở lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên mức lạm phát như hiện nay có ảnh hưởng như thế nào tới quyết định của FED vào ngày mai (17/6)?

Nhật báo phố Wall dự báo FED có thể phải tính tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Trước đó, FED dự kiến để hết năm 2023 mới tăng. Thế nhưng kết thúc cuộc họp ngày mai, FED có thể có thay đổi, nhưng trước hết có thể sẽ điều chỉnh giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng, để có thể kết thúc sớm vào cuối năm nay hoặc đầu sang năm.

Như vậy, FED có thể chưa tăng lãi suất ngay, nhưng tăng sớm hơn hay không sẽ cần chờ cuộc họp báo ngày mai, còn giảm bơm tiền vào nền kinh tế có thể được tính sớm hơn. Giới đầu tư chuyên nghiệp đã bắt đầu dịch chuyển nguồn tiền.

Theo khảo sát gần đây của CNBC, 73% nhà đầu tư chuyên nghiệp đồng ý lạm phát cao là tạm thời và FED nên duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế sớm trở lại mức bình thường. Mặc dù các nhà đầu tư này vẫn nhận định chứng khoán sẽ còn tăng điểm thời gian tới, nhưng thực tế họ đã cắt giảm lượng tiền đầu tư xuống còn 3,9%. Đây sẽ là tín hiệu bán ra, theo Bank of America.

Bán ra đã bắt đầu được nhìn thấy ở các cổ phiếu của nhóm công nghệ, theo tờ Bưu điện Washington. Trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn tương đối ổn. Trong khi đó, tiền bắt đầu được đổ vào cổ phiếu của các công ty năng lượng và chính kênh đầu tư dầu lửa. Như vậy, những kênh đầu tư sẽ sinh lời nhiều hơn dưới thời kỳ kinh tế trở lại bình thường.

Hỗ trợ thị trường việc làm là ưu tiên hàng đầu của FED Hỗ trợ thị trường việc làm là ưu tiên hàng đầu của FED

VTV.vn - Gần 10 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động vẫn trong tình trạng thất nghiệp, dù số vị trí việc làm còn trống đã đạt mức kỷ lục 9,3 triệu trong tháng 4.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước