Kinh tế Việt Nam: Vững vàng tăng trưởng

Trần Lệ Tố Uyên-Chủ nhật, ngày 03/11/2024 10:11 GMT+7

Công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam thời gian tới

VTV.vn - Năm 2024 đã đi qua 3/4 chặng đường, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Nền sản xuất vươn mình mạnh mẽ

Năm 2024 đã đi qua 3/4 chặng đường, giữa bối cảnh phải đối mặt với khó khăn chung của toàn cầu và sự tàn phá của siêu bão Yagi, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Trong đó, theo bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng Cục Thống kê), công nghiệp chế biến, chế tạo vươn mình phát triển, xứng đáng là một trong những ngành kinh tế chủ chốt với mức tăng trưởng đạt 9,76%, đóng góp 2,44 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Kinh tế Việt Nam: Vững vàng tăng trưởng - Ảnh 2.

Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với sức tàn phá lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 của một số ngành sản xuất trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao tới 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 16,9%...

Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp đang tăng trên diện rộng khi 60/63 địa phương đều có chỉ số tăng trong 9 tháng qua. Đặc biệt, một số địa phương tăng khá cao như Lai Châu tăng 47,0%; Phú Thọ tăng 40,3%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 20,0%; Bình Phước tăng 17,5… “Mặc dù ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh bị ảnh hưởng của cơn bão Yayi, song các doanh nghiệp đã có các phương án chủ động để thích ứng bằng việc tái sản xuất, tăng ca, tăng kíp để đảm bảo kịp tiến độ các đơn hàng đã ký kết với đối tác”, bà Nga nhấn mạnh.

Một tín hiệu tích cực nữa là chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 12,5% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%. Tỷ lệ tồn là 76,8%, giảm nhiều so với 9 tháng năm 2023 là 85,3%... Các chỉ số này cho thấy những tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Được tổ chức quốc tế đánh giá cao 

Trong Báo cáo “Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích” do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành có nêu rõ, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới bởi sự phục hồi rất vững vàng và nhiều yếu tố tích cực có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế do siêu bão Yagi gây ra. Trong báo cáo có nêu lên nhiều dẫn chứng như lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ, chỉ số PMI liên tiếp nằm trong vùng mở rộng; xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số và các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới. 

Hơn thế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước, từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian…Vì vậy, HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%. Đồng thời, với diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo lạm phát cho năm 2025 cũng được giữ nguyên là 3,0%.

Kinh tế Việt Nam: Vững vàng tăng trưởng - Ảnh 3.

Phân tích sâu hơn về những dự báo tích cực thời gian tới, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết thêm, công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam thời gian tới. Nhiều điểm sáng như: sản xuất có đà tăng mạnh mẽ, đơn đặt hàng mới dần quay trở lại, tiêu dùng phục hồi, các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo kế hoạch; dòng vốn FDI tích cực tiếp tục tăng và hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. 

Còn theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, trong 9 tháng qua, các khu vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thủy - hải sản, khu vực dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế. “Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua là rất ấn tượng. Tôi kỳ vọng động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì trong những tháng còn lại của năm và GDP của Việt Nam có thể ở mức 6,5 - 7% như mục tiêu Chính phủ đề ra”, ông Ngô Đăng Khoa dự báo.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7%

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với sức tàn phá lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế. "Chúng ta đã nỗ lực hết mình, đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất...”, - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các mục tiêu sắp tới là không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát... Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023.

Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng trên 7%, như vậy trong quý IV, GDP phải đạt từ 7 - 8%. Để đạt mục tiêu đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng rất cần sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả. 

Nhìn về dài hạn, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nước ta cần tiếp tục tăng trưởng các động lực kinh tế trụ cột, tập trung hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý… Từ đó tạo đà vững chắc cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện rõ nét

Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay chính là xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện rõ nét hơn. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong quý 3/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, quý 4/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 3/2024; 41,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 40,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 36,0% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới…Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế và động lực này sẽ còn duy trì và phát huy trong quý 4/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước