Kinh tế Việt Nam chống chọi tốt với thách thức bên ngoài

Nguyễn Trung-Thứ năm, ngày 10/08/2023 20:57 GMT+7

VTV.vn - Kết quả thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua cho thấy khả năng chống chọi tốt của nền kinh tế Việt Nam trước tác động tiêu cực của bên ngoài.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua ước đạt 62,7% dự toán năm. Trong điều kiện thực hiện các chính sách giảm, giãn, hoãn; miễn thuế phí, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, đây là một trong những tín hiệu cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, một số ngành có dấu hiệu khởi sắc... sẽ tạo đà cho kinh tế phục hồi và tạo thêm nguồn thu.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Tuy giảm gần 8% so cùng kỳ năm 2022, nhưng các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh lại tăng và chiếm trên một nửa dự toán thu nội địa.

Ước tính có 27/63 địa phương thu nội địa đạt trên 60% dự toán, mặc dù đã miễn, giảm, gia hạn thuế khoảng 109.000 tỷ đồng.

Kết quả này cho thấy khả năng chống chọi tốt của nền kinh tế Việt Nam trước tác động tiêu cực của bên ngoài.

"Kết quả thu nội địa là một trong những thước đo của nền kinh tế. Nó thể hiện nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và người nộp thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó cũng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là chính sách tài khóa Chính phủ đã ban hành, Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành đang triển khai, đó là gia hạn, giãn, giảm các sắc thuế", ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, nhận định.

Kinh tế Việt Nam chống chọi tốt với thách thức bên ngoài - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm có chiều hướng phục hồi, tạo nền tảng cho thu ngân sách tiếp tục tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Chính vì thu đạt kết quả tốt nên ngân sách có nguồn để tăng chi và đảm bảo an ninh tài chính của đất nước. 7 tháng qua, tổng chi ngân sách khoảng 950.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

"Nó tạo nền tảng và phát huy tối đa vai trò của chính sách tài khóa trong bối cảnh hiện nay, đó là thực hiện chính sách tài khóa có tính chu kỳ để kích cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đồng thời giữ ổn định vĩ mô của nền kinh tế", TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá.

"Đáp ứng nhu cầu giải ngân cho hoạt động đầu tư công cũng như các hoạt động chi tiêu của ngân sách, từ đó tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế quốc dân. Và vòng tác động lan tỏa từ chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho hay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, tháng 7 đã ghi nhận nhiều kết quả khởi sắc về phát triển kinh tế - xã hội: như sản xuất công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp được thành lập mới tăng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực, lạm phát có xu hướng giảm dần.

Đây là tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm có chiều hướng phục hồi, tạo nền tảng cho thu ngân sách tiếp tục tăng trưởng và có thể hoàn thành dự toán đã được Quốc hội giao.

WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới

VTV.vn - Ngày 10/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế với tựa đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước