Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc chỉ đạt mức 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với kết quả thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters là 5,2%.
Sản xuất công nghiệp – một trong những động lực quan trọng của kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3,1% trong tháng 9 – thấp hơn mức thăm dò của Reuters là 4,5%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị là 4,9%. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp với những người ở độ tuổi 16 – 24 vẫn ở mức cao là 14,6%.
Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Fu Linghui nói rằng tình trạng thiếu điện đã có những "tác động nhất định" đến hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, ông Fu Linghui nhấn mạnh những tác động đến nền kinh tế "có thể kiểm soát được".
Điểm sáng của kinh tế là doanh số bán lẻ tăng 4,4% trong tháng 9 – tăng vượt thăm dò của Reuters là 3,3%.
Mất động lực tăng trưởng
Theo CNBC, 10 ngân hàng lớn được trang này theo dõi đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc do tình trạng thiếu điện cũng như nỗ lực kiềm chế nợ trong lĩnh vực bất động sản – gây thêm nhiều áp lực đến tăng trưởng (chẳng hện như chi tiêu tiêu dùng chậm chạp).
Theo Bruce Pang của China Renaissance, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đang dần mất đi động lực trong quý IV này.
Trước đó, vào quý I/2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ 18,3%. Đến quý II, mức tăng trưởng chỉ còn là 7,9%, con số này giảm xuống còn 4,9% trong quý III.
Tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc chỉ đạt mức 4,9%
Ngày 23/9 vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 xuống còn 8,1% - so với mức 8,4% đưa ra trước đó. Sang năm 2022, theo Fitch Ratings, Trung Quốc chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng 5,2% - so với dự báo tăng trưởng 5,5% trước đó.
Dự báo tiêu cực của Fitch Ratings được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối diện khó khăn lớn từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande – tập đoàn đang mang trên mình khối nợ hơn 300 tỷ USD.
Việc Trung Quốc, siết chặt quy định trong lĩnh vực bất động sản nhằm kiểm soát giá nhà tăng vọt và tình trạng vay nợ quá mức đã đẩy nhiều doanh nghiệp địa ốc, đơn cử là gã khổng lồ Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc đổ vỡ dây chuyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!