Kinh tế toàn cầu vượt lên một năm nhiều thách thức

TTXVN-Thứ tư, ngày 29/12/2021 11:15 GMT+7

VTV.vn - Nền kinh tế thế giới đã phục hồi phần nào sau sự sụt giảm do đại dịch COVID-19 vào năm 2021.

Dù vậy sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra những gián đoạn mới và tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng trung ương phải mạnh tay can thiệp. Những nhân tố này có thể ảnh hưởng tới triển vọng trong thời gian tới. Dưới đây là một vài nét về thực trạng của nền kinh tế toàn cầu.

Phục hồi không đồng đều

Nhiều quốc gia đã công bố những con số tăng trưởng ấn tượng sau khi thoát khỏi "vực sâu" của cuộc suy thoái do dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020. Một số quốc gia đang "lấy lại đà" tốt hơn những quốc gia khác trong bối cảnh các quốc gia giàu có hơn có cơ hội tiếp cận với vaccine tốt hơn.

Mỹ đã vượt qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái, trong khi nền kinh tế khu vực Eurozone có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh của biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia phải áp đặt lại các hạn chế mà có khả năng ảnh hưởng trước tiên đến lĩnh vực du lịch và giải trí.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với tỷ lệ tiêm chủng ở mức một con số, nền kinh tế khu vực Sahara phía Nam châu Phi sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. IMF cho biết hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ còn cách khá xa so với các dự báo trước đại dịch vào năm 2024.

Kinh tế toàn cầu vượt lên một năm nhiều thách thức - Ảnh 1.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. (Ảnh: Bloomberg)

Các ngân hàng trung ương ở Brazil, Nga và Hàn Quốc đã tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát gia tăng, một động thái có thể kiềm chế tăng trưởng.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro như nhiều trường hợp mắc COVID-19 mới, khủng hoảng năng lượng và những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande.

Lạm phát tăng vọt

Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trên khắp thế giới, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh giữa lúc các ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Giá cả đã tăng vọt trên nhiều lĩnh vực từ dầu, khí đốt tự nhiên đến các vật liệu thô như gỗ, đồng và thép.

Về triển vọng năm 2022, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng điều đáng ngạc nhiên của năm 2021 là lạm phát do hàng hóa dẫn dắt.

Các ngân hàng trung ương đã khẳng định trong nhiều tháng rằng sức ép lạm phát là hệ quả tạm thời của hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm nay sau khi bị chững lại khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Những điều đó đã thay đổi vào tháng 12/2021, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hành động để nhanh chóng giảm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch và dự kiến sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022.

Các thị trường chứng khoán đã đạt mức cao kỷ lục mới trong năm nay và nhìn chung các ngân hàng trung ương đang chuyển sang tập trung vào việc kiềm chế lạm phát.

Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam cho biết câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thực sự đang ở giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng hay không. IMF vẫn dự báo mức tăng trưởng 4,9% trong năm 2022.

Tình trạng thiếu hụt lan rộng

Nhiều ngành công nghiệp đã phải vật lộn để bắt kịp với nhu cầu tăng vọt từ người tiêu dùng. Thương mại toàn cầu đã bị gián đoạn do không đủ container vận chuyển, tắc nghẽn tại các cảng và tình trạng thiếu lao động.

Một thành phần quan trọng mà ngày nay đang khó tìm kiếm là chip được sử dụng trong mọi thứ từ điện thoại đến máy chơi trò chơi điện tử cho đến hệ thống điện tử của ô tô. Tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng đến mức một số nhà sản xuất ô tô đã phải tạm ngừng sản xuất tại một số nhà máy.

Thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh tài xế xe tải, nhân viên cảng và nhân viên thu ngân đã không trở lại làm việc sau phong tỏa.

Bất chấp những khó khăn, IMF kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022.

Biến đổi khí hậu

Ngoài đại dịch COVID-19, các nền kinh tế còn phải đối mặt với một nhân tố đe dọa cuộc sống của con người trong năm nay là biến đổi khí hậu. Cuộc tranh cãi giữa tăng trưởng kinh tế và cứu hành tinh đã trở thành trọng tâm chính tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh trong tháng 11.

Gần 200 quốc gia đã ký kết một thỏa thuận để cố gắng ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu sau hai tuần đàm phán cam go, nhưng không đạt được những gì mà các nhà khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn mức độ nguy hiểm gia tăng.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, hạn hán và các thảm họa khí hậu khác đe dọa tiếp tục đẩy giá lương thực, hiện đứng ở mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 11/2021. Giá lúa mì đã tăng 40% trong năm 2021, trong khi các sản phẩm từ sữa tăng 15% và dầu thực vật ghi nhận mức kỷ lục mới. Nabiha Abid, một cư dân ở thủ đô Tunisia, cho biết giá thịt đã tăng gấp đôi.

[INFOGRAPHIC] Những con số đáng chú ý về kinh tế toàn cầu năm 2021 [INFOGRAPHIC] Những con số đáng chú ý về kinh tế toàn cầu năm 2021

VTV.vn - Năm 2021 qua đi trong bối cảnh thế giới thích nghi và chung sống với đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước