Thị trường chứng khoán có phiên đi ngang thứ ba liên tiếp, VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,14%, lùi về mốc 1.272 điểm. Các chuyên gia đánh giá, đây là trạng thái tích cực sau phiên bùng nổ theo đà giữa tuần trước, dao động của chỉ số và sự thu hẹp của thanh khoản cho thấy lực bán chốt lời thấp, nguồn cung bán ra của thị trường đã được hấp thụ rất tốt.
Xu hướng tăng vì thế vẫn được bảo toàn và các cổ phiếu "khỏe" vẫn tiếp đà tăng trưởng. FPT, BVH, HPG là những trọng số đóng góp lớn cho chiều tăng của chỉ số, ngược lại, nhóm ngân hàng đang cần thêm một sự tích lũy chắc chắn hơn, khi VCB, VPB và TCB cùng đồng loạt điều chỉnh.
Trong khi các mã trụ phân hóa, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí hàng "ngách" lại thay phiên nhau nổi sóng. Sau các mã thủy sản, phân bón - hóa chất, công nghệ, hôm qua vài cổ phiếu "ngách" của ngành xây dựng đã giao dịch nổi bật, như VLB tăng hơn 7% hay DHA tăng hơn 4%...
Nói rõ hơn về cổ phiếu "ngách", đây là cụm từ thường được dùng để chỉ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thuộc các nhóm ngành nhỏ, đặc thù, thanh khoản thấp và thường có biến động không cùng pha với thị trường chung.
Vài tháng qua, thị trường gần như đi ngang nhưng một số mã đơn lẻ liên tiếp tăng mạnh. Có thể kể đến một vài cái tên như VTP, VGI của nhóm Viettel tăng tới từ 40 - 60% trong vòng một tháng. Các mã này đã tăng giá từ 160- 260% trong một năm qua. Gần đây nhất, VC7, TTA, CSM tăng mạnh từ 30-40%.... Với sức hút lớn như vậy, không ít nhà đầu tư đã dồn tiền vào cổ phiếu "ngách", nhưng liệu có phải ngách nào cũng an toàn, dễ đi? Đặc biệt, các cổ phiếu "ngách" lại thường có biến động cao, hấp dẫn những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Trong khi các mã trụ phân hóa, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí hàng "ngách" lại thay phiên nhau nổi sóng
Anh Huy - một nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, chủ đạo với trường phái phân tích kỹ thuật. Anh thường được giới đầu tư biết đến với khá nhiều lần đầu tư thành công ở các cổ phiếu "ngách", một số thương vụ gần đây có thể kể đến như: VC7, TTA, GIL… dù đầu tư với tỷ trọng nhỏ nhưng hiệu suất khá cao so với thị trường hiện nay.
Ông Vũ Quang Huy - Trưởng phòng kinh doanh 12, CTCP Chứng khoán VPBank cho biết: "Người ta gọi là "hàng ngách" vì những cổ phiếu này ít người biết đến trên thị trường. Bản chất các cổ phiếu đó chưa hẳn là không có giá trị, thậm chí giá trị tiềm ẩn rất lớn. Nguồn cung rất ít, cầu rất lớn, giá dễ đẩy lên kịch trần, có những cổ phiếu "tím" nhiều phiên là như vậy".
Anh Huy cũng lưu ý, điểm quan trọng nhất là nhà đầu tư phải định giá được doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, cổ tức và triển vọng lợi nhuận. Ngoài ra, thời điểm mua cũng rất quan trọng, bởi khi có các phiên tăng trần liên tục, nhà đầu tư sẽ rất khó tham gia và quản trị rủi ro.
Ông Nguyễn Minh Giang - Trưởng phòng quản lý tài sản TTKD Hoàn Kiếm, công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nêu ý kiến: "Tôi thường có một công thức, đó là tôi không mua quá 20% trung bình giao dịch trong 20 phiên của cổ phiếu. Đối với cổ phiếu ngách, tôi thường trích lãi ra để mua".
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank nhận định: "Những diễn biến giá của những cổ phiếu này thường có thể chịu tác động của những câu chuyện, có thể tiềm ẩn câu chuyện "làm giá". Về tỷ lệ vốn đầu tư, tôi nghĩ không nên quá 30% tổng tài khoản các bạn dùng để giải ngân trong đầu tư chứng khoán".
Các chuyên gia cũng cho biết, trên thị trường cũng có các cổ phiếu ngách "bo cung" - tức là những nhà đầu tư tổ chức đã nắm giữ hầu hết cổ phần, lượng cổ phiếu trôi nổi được giao dịch rất ít. Đây có thể là các mã cho hiệu suất đầu tư tốt, cổ tức hàng năm cao, tuy nhiên không dễ để mua được với số lượng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!