Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước

VTV Digital-Thứ tư, ngày 28/08/2024 10:38 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị số 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị số 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 7 tháng đầu năm thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được đảm bảo, tăng lương được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, còn đối mặt với nhiều thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Nhiệm vụ chung là cần sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới.

Trong đó, tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.

Đồng thời, khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.

Rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Triển khai các giải pháp kết nối vùng nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng; hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước - Ảnh 1.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa

Gắn kết giữa sản xuất, phân phối hàng hóa

Thủ tướng nhấn mạnh cần Tiếp tục thực hiện nghiêm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Cụ thể hơn, Chỉ thị nêu rõ Bộ Công Thương cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.

Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước.

Tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến. Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn. Phối hợp với Bộ Tài chính sớm nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.

Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Riêng với Ngân hàng Nhà nước, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như Chương trình gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước - Ảnh 2.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, hàng hóa

Với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu cần Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung.

Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục công bố, hợp quy thuốc thú y; thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận như Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; chủ trì, phối với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét chính sách khuyến đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

Nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường

Thủ tướng cũng yêu cầu Các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất với cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Đồng thời, tập trung đổi mới quản trị, tăng cường nghiên cứu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước; Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tập trung khai thác khu vực thị trường trong nước có nhu cầu nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước