Khơi thông vốn cho các dự án hạ tầng từ cơ chế mới

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/07/2023 06:10 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh có 44 cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong đó, có tới 27 cơ chế, chính sách dành riêng cho thành phố. Nếu được triển khai sớm, các cơ chế, chính sách này sẽ giúp thành phố có thể khơi thông nguồn vốn, triển khai nhiều dự án giao thông cấp bách, vốn đã bị tắc nghẽn trong thời gian dài.

15 năm kể từ khi được quy hoạch, đường Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể khép kín. Hay như dự án mở rộng, nâng cấp để giảm ùn tắc Quốc lộ 13, thành phố cũng mất 20 năm chờ đợi. Đây là 2 trong số nhiều dự án giao thông cấp bách nhưng lại thiếu vốn.

Lần này, Quốc hội cho phép thành phố được thực hiện trở lại đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hợp đồng BT, nên các dự án này có thể được khởi động trở lại. Ngoài ra, thành phố có thể thanh toán cho các hợp đồng BT bằng tiền trả chậm.

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "BT trả chậm bằng tiền tạo điều kiện thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách. Khi mà trung hạn giai đoạn chúng ta chưa bố trí kịp thì có thể đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư triển khai".

"Nguồn lực mà ngân sách huy động để thanh toán cho nhà đầu tư nó từ nguồn nào. Đó có thể là từ nguồn ngân sách chung về thuế mà ngân sách được thụ hưởng, nó có thể nguồn phát hành trái phiếu thanh toán cho nhà đầu tư - trái phiếu công trình và có thể từ quỹ đất, không phải hàng đổi hàng với tư nhân, mà là đấu giá lô đất đó để tối đa hóa nguồn thu từ việc bán tài sản công", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nói.

Khơi thông vốn cho các dự án hạ tầng từ cơ chế mới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Để mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu, thành phố phải dành nguồn ngân sách không nhỏ cho giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các tuyến đường nội đô, đông dân cư như đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Nhưng với cơ chế mới, ở các dự án BOT có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án, thì thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin: "Với các dự án BOT trên đường hiện hữu, chúng tôi phải làm thật kỹ, tính đúng tính đủ, minh bạch và phải đạt được sự đồng thuận của người dân, nhất là những người sống trong khu vực dự án. Với dự án BT phải tính toán rất kỹ chi phí đầu vào minh bạch rõ ràng để việc thanh toán được hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân".

Những cơ chế và chính sách mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau hơn 3 tuần nữa. Hiện thành phố đang bắt tay vào việc chuẩn bị các bước để khởi động lại hàng loạt dự án giao thông trọng điểm.

Theo lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sáng 8/7, TP Hồ Chí Minh đang bước vào đợt tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là cơ hội để thành phố hành động quyết liệt vì sự phát triển của thành phố, là cơ hội lớn để tháo gỡ các điểm nghẽn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước