Khó khăn do nợ bảo hiểm xã hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/07/2024 07:06 GMT+7

VTV.vn - Chính sách BHXH khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động khi giải quyết những rủi ro trong cuộc sống.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sẽ tăng thêm nhiều quyền, lợi ích cho người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15, Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Quy định cụ thể hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Đây được xem là những bổ sung rất cần thiết khi tình trạng nợ BHXH ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhiều lao động vì không được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí do công ty trốn đóng, nợ đóng BHXH.

Dù đã có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam và lộ trình trả nợ BHXH rõ ràng nhưng đến nay, Công ty Cổ phần Dệt 19-5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam vẫn tiếp tục chây ì với số tiền nợ lên tới hơn 14 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của 277 người lao động đã và đang còn làm việc tại công ty.

Bị nợ 9 tháng lương và 4 năm đóng BHXH, chị Huyên đối mặt với nỗi lo khi tuổi già không có lương hưu. Trong khi ngoài 50 tuổi, giờ chị khó có thể xin được công việc mới.

"Hiện tại còn nợ tôi 9 tháng lương và 4 năm bảo hiểm chưa đóng. Tuổi của tôi đi xin việc rất khó khăn, các công ty họ chỉ nhận những người khỏe mạnh", chị Trịnh Thị Huyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ.

Cuộc sống của gia đình anh Thụy chỉ trông vào thu nhập đi làm thời vụ hàng ngày, bị nợ 5 năm BHXH, anh cũng muốn tìm nơi làm việc mới để đóng nối bảo hiểm nhưng công ty cũ thua lỗ không thể chốt sổ BHXH cho anh và nhiều lao động khác.

"Nhiều tháng nợ lương, tôi thì cảnh ở trọ, hai vợ chồng cùng con ở hết trên này, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vấn đề bảo hiểm thì từ tháng 3 năm 2019 đến nay công ty đã không đóng cho chúng tôi", anh Dương Đức Thụy, công nhân, Công ty Cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội, Hà Nam cho hay.

Còn tại doanh nghiệp với hơn 100 công nhân không chỉ mất việc làm mà còn bị nợ lương, nợ BHXH, chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước trong khi còn nợ đọng khoảng 7,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm và hơn 1,5 tỷ đồng tiền lương của người lao động.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.400 người bị treo quyền lợi.

Khó khăn do nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Chính sách BHXH từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của hệ thống an sinh, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động khi giải quyết những rủi ro trong cuộc sống.

Dù đã ban hành nhiều chế tài song có thể thấy việc xử lý tình trạng nợ BHXH vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhất là đối với việc xử lý tài sản, công nợ của những doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn vẫn còn lúng túng do thiếu cơ chế và chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là người lao động.

Khi các doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản chắc chắn sẽ để lại những khoản nợ như nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ lương. Đây là điều khó tránh khỏi, việc cần làm của các cơ quan quản lý nhà nước là có giải pháp để giải quyết chế độ cho người lao động trong những trường hợp này.

"Những doanh nghiệp đấy, những người đấy khi mà tái tham gia vào thị trường lao động, ví dụ họ mở doanh nghiệp, nếu những người thuộc danh sách đen như thế, họ phải thực hiện nốt nhiệm vụ thế, tức là truy hồi". bà Bùi Thị Lan Hương - Chuyên gia về an sinh cho hay.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Người ta đóng nhưng doanh nghiệp không đóng cho cơ quan BHXH, doanh nghiệp đã trốn đi và doanh nghiệp đã dùng quỹ BHXH của người lao động thì phần này ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để chúng ta chi trả cho người lao động thông qua việc ghi vào BHXH, chốt sổ BHXH để người lao động có điều kiện đóng tiếp để đủ điều kiện người ta nghie hưu".

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: "Phương án dùng tiền lãi đầu tư quỹ BHXH để hỗ trợ, giải quyết số lao động này để họ được hưởng chính sách về hưu. Tôi nghĩ rằng đây là điều rút kinh nghiệm trong quá trình chúng ta theo dõi, quản lý doanh nghiệp khi hoạt động. Khi có tình trạng này thì phải khoanh lại vấn đề và sớm chấm dứt việc này để thực hiện chế độ cho người lao động".

Các quy định này đã bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Chính sách BHXH được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Chính sách BHXH từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của hệ thống an sinh, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động khi giải quyết những rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động. Bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của một đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, công bằng, văn minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước