Khi nào khối ngoại ngừng bán ròng?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 20/11/2024 09:46 GMT+7

VTV.vn - Khi nào khối ngoại quay lại vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Theo chuyên gia, các nhà đầu tư không nên quá lo lắng, giai đoạn này cần theo dõi và có chiến lược đầu tư phù hợp.

Áp lực bán thường trực trên diện rộng đã khiến VN-Index phiên hôm qua giảm 11,97 điểm, xuống 1.205 điểm. Thanh khoản thấp, chỉ khoảng 13.200 tỷ đồng, giảm gần 21% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên trước.

Sắc đỏ bao phủ các nhóm ngành tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin, viễn thông, nguyên vật liệu. Nhiều cổ phiếu lớn như FPT, MWG, DGC đồng loạt giảm điểm.

Khối ngoại bán ròng đột biến thu về gần 1.500 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào VHM và FPT với 342 và 239 tỷ đồng, HDB và HPG cũng bị khối ngoại "xả" mạnh rút về 208 tỷ đồng và 131 tỷ đồng.

Như vậy, trong 10 phiên gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 8.200 tỷ đồng. Còn nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong hơn 24 năm qua.

Khi nào khối ngoại ngừng bán ròng? - Ảnh 1.

Trong 10 phiên gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 8.200 tỷ đồng

Khi nào khối ngoại quay lại vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên theo chuyên gia, các nhà đầu tư không nên quá lo lắng, giai đoạn này cần theo dõi và có chiến lược đầu tư phù hợp.

Ông Nguyễn Trung Du - Chuyên gia tư vấn đầu tư chứng khoán cho biết: “Thay vì đoán thì chúng ta ngồi đợi bởi vì đoán không hề dễ. Khi nào chúng ta thấy thị trường xuất hiện các nhịp rũ bỏ, wash out mà dòng vốn margin buộc phải bán ra, dòng vốn khối ngoại mua vào mạnh mẽ quyết liệt trong một vài tuần thì lúc đó có thể hy vọng là đáy”.

Ông Lâm Tuấn - Chuyên gia tư vấn đầu tư chứng khoán nêu ý kiến: “Chúng ta sẽ phải biết được là tỷ lệ đầu tư của các lớp tài sản như thế nào và khi chúng ta biết được tỷ lệ phân bổ các lớp tài sản như thế nào và chúng ta có một cá mục tiêu cụ thể, chúng ta sẽ biết được mục tiêu đến thời điểm đó, chúng ta sẽ phải phân bổ như thế nào. Bắt đầu chúng ta sẽ thường phải hiểu một vấn đề như trong lập kế hoạch tài chính cá nhân có một khái niệm là khẩu vị rủi ro, chúng ta phải biết được về hồ sơ rủi ro, hồ sơ rủi ro của bạn là tăng trưởng mạnh hay là cân bằng hay thận trọng an toàn”.

Áp lực rút vốn khiến số dư tiền mặt của nhà đầu tư giảm hai quý liên tiếp và margin tăng lên mức kỷ lục. Theo công ty quản lý quỹ SGI Capital, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đến cuối quý III đã tăng 9.100 tỷ so với quý II, lên hơn 236.000 tỷ. Trong khi đó, số dư tiền gửi trong tài khoản các nhà đầu tư giảm gần 3.800 tỷ, xuống còn 91,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, SGI Capital cho rằng, quá trình các rủi ro tiềm ẩn bộc lộ sẽ dẫn tới nhiều nhịp điều chỉnh từ đó tạo ra nhiều cơ hội đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước