IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% năm nay và năm tới

VTV Digital-Thứ hai, ngày 04/11/2024 21:06 GMT+7

VTV.vn - IMF mới đây đã đưa ra những dự báo của mình cho tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới trong năm 2024 và dự đoán xu thế thương mại năm 2025.

Trao đổi với phóng viên VTV, ông Krishna Sri-ni-vasan - Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu, mức tăng trưởng GDP đưa ra là 3,2% cho cả năm nay và năm tới.

Đối với các quốc gia châu Á, một số rủi ro đáng chú ý bao gồm nhu cầu bên ngoài có thể yếu hơn kỳ vọng, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc có khả năng tăng trưởng thấp hơn dự báo. Điều này ảnh hưởng mạnh đến châu Á, vì các nước trong khu vực châu Á xuất khẩu rất nhiều sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và dựa vào thương mại.

"Bất kỳ xung đột nào cũng đều ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại, làm tăng giá dầu và hàng hóa, tác động đến triển vọng kinh tế của khu vực. Thêm vào đó, rủi ro về phân mảnh kinh tế - địa chính, một vấn đề tồn tại lâu năm, tiếp tục là nguồn lo ngại lớn không chỉ ở châu Á mà còn toàn cầu", ông Krishna Sri-ni-vasan nhận định.

IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% năm nay và năm tới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images.

Giám đốc châu Á Thái Bình Dương của IMF cũng cho rằng, năm 2024 cũng ghi nhận xu thế căng thẳng thương mại khá rõ nét giữa các nền kinh tế lớn. Với số lượng lệnh cấm vận thương mại tăng từ 1.000 vào năm 2019 lên 3.000 lệnh cấm vào thời điểm hiện tại.

"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mỗi quốc gia cần làm việc để đảm bảo hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Bởi vì trong ngắn hạn, như tôi đã nói, một số quốc gia như Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại. Ví dụ, đã có sự chuyển hướng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ qua Việt Nam, hoặc qua Mexico. Những quốc gia như Mexico và Việt Nam có thể hưởng lợi trong ngắn hạn", ông Krishna Sri-ni-vasan nói.

Tuy nhiên, theo Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF, về dài hạn tất cả đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, điều quan trọng là ngay cả những quốc gia hưởng lợi trong ngắn hạn vẫn nên duy trì tiếng nói ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu và hướng đến việc giảm áp lực phân mảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước