Hợp tác kinh tế: Điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 09/09/2023 06:15 GMT+7

VTV.vn - Tính từ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 240 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 130 tỷ USD vào năm 2022.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9. Nhìn lại sự phát triển quan hệ của hai nước, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây gần 30 năm có thể khẳng định hợp tác về kinh tế là một dấu ấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tháng 7/1995, Tổng thống Bill Clinton và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Quan hệ hai nước bước sang một trang mới. Đây chính là tiền đề để hợp tác kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tính từ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng 240 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 130 tỷ USD vào năm 2022. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: "Những con số thống kê ấy đã cho thấy sự tăng trưởng trong hợp tác thương mại có lẽ là lớn nhất trên thế giới trong quan hệ giữa hai nước với nhau. Tôi tin tưởng rằng, sự phát triển ấy sẽ còn tiếp tục, sẽ ngày càng có nhiều hơn cơ hội hợp tác kinh doanh mang lại lợi ích cho cả hai nước".

Hợp tác kinh tế: Điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Tính từ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 240 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 130 tỷ USD vào năm 2022.

Hiện Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 trên thế giới vào Việt Nam với khoảng 1.150 dự án, tổng vốn đạt hơn 10 tỷ USD. Ngày càng nhiều các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đầu tư hay mở rộng đầu tư lâu dài tại Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, ưu tiên phát triển.

"Chúng ta sẽ phấn đấu để quan hệ thương mại ở mức ổn định, giảm thiểu những bất đồng, những vụ phòng vệ thương mại đối với nhau, cũng như chúng ta sẽ tập trung hơn vào những lĩnh vực hợp tác công nghệ cao như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cũng sẽ tập trung vào những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết.

Bên cạnh kinh tế, nhiều năm qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác như vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được ưu tiên, tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Về giáo dục đào tạo, hiện có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nhiều thứ 5 trên thế giới. Trong đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine.

Ông Ted Osius - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: "Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng theo lời mời của Tổng thống Obama và từ thời điểm đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hợp tác giữa hai nước, trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, kinh doanh và cả trong lĩnh vực giáo dục nữa. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các lĩnh vực này đều có sự hợp tác sâu sắc trong những năm qua".

Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giao lưu nhân dân. Đây cũng sẽ là bước hiện thực hóa khẳng định của Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm hồi đầu năm nay với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước