Hơn 100 quốc gia trên thế giới đánh thuế đồ uống có đường

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/06/2024 21:01 GMT+7

VTV.vn - Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân và các bệnh liên quan đến nước uống có đường.

Khuyến nghị của WHO về giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Một số nguyên nhân dẫn đến béo phì xuất phát từ thói quen dùng đồ ăn nhanh, đồ uống có đường. Trung bình mỗi người Việt đang uống 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Điều này khiến cho chúng ta tiếp nhận lượng đường cao gấp đôi so với mức khuyến cáo.

Không những vậy, xu hướng tiêu thụ đồ ngọt, đồ uống có đường đang tăng liên tục trong 10 năm qua, đặc biệt là ở trẻ em.

Để giảm tình trạng tiêu thụ đường không hợp lý và tác hại của đồ uống có đường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia triển khai kết hợp 3 giải pháp: áp thuế với đồ uống có đường, giáo dục truyền thông và hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - cho biết: "Điều chúng tôi thực sự muốn thấy là những chiến lược nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như nâng cao nhận thức về nguy cơ từ việc dùng quá nhiều đồ ngọt, bao gồm cả các trường học, đảm bảo không cung cấp hoặc bán đồ uống có đường cho học sinh. Trong nhiều chiến lược, điều chúng tôi thực sự mong muốn Chính phủ xem xét là việc áp thuế để tăng giá đồ uống có đường. Đây là một chiến lược đã thực hiện ở nhiều quốc gia, có tác động hiệu quả đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường".

Nhiều quốc gia đánh thuế đồ uống có đường

Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân và các bệnh liên quan đến nước uống có đường. Trong nhiều năm qua, việc đánh thuế đồ uống có đường đã giúp hạn chế việc tiêu thụ đường, ngăn chặn tình trạng béo phì đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Mexico, một trong những quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất thế giới và cũng là nước có tỷ lệ người béo phì cao nhất, đã áp thuế 1 Peso (gần 500 đồng) đối với 1 lít đồ uống có đường từ năm 2014. Khoản thuế này đã khiến giá nước giải khát có đường tăng khoảng 11% và giảm 37% số lượng tiêu thụ.

Các nhà chức trách Mexico dự đoán trong 10 năm tới, việc áp thuế đối với đồ uống có đường ở nước này sẽ ngăn chặn được 240 nghìn trường hợp béo phì, đặc biệt là ở trẻ em.

Từ tháng 4 năm 2018, Anh đã đánh thuế 2 mức đối với đồ uống có đường. Nếu đồ uống có chứa từ 5 - 8 gram đường/100 ml sẽ phải chịu mức thuế là 0,18 Bảng ( gần 6.000 đồng ) mỗi lít. Nếu đồ uống chứa hơn 8 gram đường/100 ml sẽ phải chịu mức thuế là 0,24 Bảng (gần 8.000 đồng) mỗi lít. Việc áp thuế đối với đồ uống có đường đã giúp giảm 45 triệu kg đường trong nước giải khát tại nước Anh mỗi năm.

Thái Lan đã áp thuế đồ uống có đường từ tháng 9/2017. Đồ uống có chứa hàm lượng đường quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 6 gram/100 ml sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu đồ uống có trên 14 gram đường/100 ml sẽ chịu thuế lên tới 5 Baht/lít (khoảng 3.500 đồng/lít). Cứ sau 2 năm, các nhà chức trách sẽ xem xét việc tăng thuế để các nhà sản xuất đồ uống điều chỉnh giảm lượng đường trong các sản phẩm của mình.

Tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025, lần đầu tiên đồ uống có đường thuộc danh mục hàng hóa đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hy vọng là những biện pháp tác động về mặt kinh tế sẽ giúp thay đổi phần nào thói quen của người tiêu dùng, trong việc sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống này.

Giảm tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe Giảm tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe

VTV.vn - Theo báo cáo của WHO, người dân Việt Nam trung bình tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần, tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước