Quá trình hội nhập vừa qua đã phát huy thế mạnh không ngờ của nông nghiệp, nhiều ngành hàng nông sản đã chiếm lĩnh thị phần lớn trên thế giới, điển hình như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, chè, thủy sản, gỗ… tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2012 đạt 27,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2006.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận định: “Đây là những ngành sẽ phát triển rất tốt cho tương lai nếu như Việt Nam tập trung cho toàn chuỗi giá trị, nếu chúng ta thay đổi thể chế tổ chức, gắn nông dân và doanh nghiệp vào nhau và liên kết họ với chuỗi toàn cầu. Đồng thời, nếu làm tốt cải cách thể chế từ quản lý hành chính, Nhà nước đến hải quan, dịch vụ thì chắc chắn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng lên”.
‘ Hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Ảnh: HNM
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế là một sân chơi sòng phẳng. Bên cạnh sự cất cánh về xuất khẩu của các ngành Việt Nam có lợi thế như thủy sản, gạo thì còn có những mặt hàng có chỉ số năng lực cạnh tranh thấp như sữa, đường hay chăn nuôi. Những mặt hàng này không những không thể xuất khẩu được mà còn bị hàng nhập khẩu chèn ép. Vì vậy không chỉ riêng Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có xu thế muốn bảo hộ. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, bảo hộ mà không đi kèm với đổi mới, cải cách thì chưa chắc đã mang lại sự tích cực.
Theo ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Quan trọng là phải tạo ra phương thức sản xuất mới cho nông nghiệp, tức là phải đi bằng hai chân. Công nghệ và sinh học cùng phải tác động vào nông nghiệp và phải tổ chức lại nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nếu không thì sẽ thất bại”.
Nhiều chuyên gia khẳng định, việc hội nhập kinh tế là tất yếu, bởi nếu không gia nhập, chúng ta không thể có những đột phá trong xuất khẩu nông sản như thời gian qua. Điều quan trọng là phải thay đổi cấu trúc bên trong của ngành nông sản để biến thách thức thành cơ hội. Để làm được đều này, các doanh nghiệp, địa phương nên tự rà soát về điều kiện tự nhiên, năng lực quản lý, khả năng công nghệ. Nếu Việt Nam không hơn các nước khác thì phải chủ động xây dựng lộ trình để chuyển sang ngành hàng mà chúng ta có lợi thế hơn. Và không nên để đến khi đã áp dụng mức thuế thấp mới xoay chuyển thì không kịp và sẽ ảnh hướng lớn đến nông dân.