Hoàn thiện cơ chế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dầu khí

VTV Digital-Thứ tư, ngày 28/08/2024 10:38 GMT+7

VTV.vn - Mới đây đã diễn ra buổi toạ đàm lấy ý kiến cuối cùng của dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí.

Mới đây đã diễn ra buổi toạ đàm lấy ý kiến cuối cùng của dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước khi tiếp thu và chỉnh sửa để trình ra Quốc hội xem xét trong kỳ họp vào tháng 10. Toạ đàm này được tổ chức để dành riêng cho nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí góp ý hoàn thiện dự thảo Luật.

Nếu tập đoàn, Tổng Công ty mẹ là F1, thì các công ty con là F2, F3… cho tới Fn. Quản lý dòng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng không nên đưa F2 tới Fn vào là đối tượng chịu điều chỉnh của Luật.

Ông Hoàng Xuân Dương - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết: "Thời gian thẩm định phê duyệt tương đối dài, có các dự án thẩm định 4-5 năm, mất cơ hội đầu tư rất lớn nếu quy định doanh nghiệp cấp 2 thuộc đối tượng điều chỉnh của luật như hiện nay".

Ông Trần Thái Bảo - Phó Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) chia sẻ: "Tập đoàn Dầu khí đã có rất nhiều quy định cụ thể quản lý doanh nghiệp cấp 2 và có các quy định còn chặt chẽ hơn điều đang quy định ở dự thảo Luật. Và đặc biệt là để tạo sự linh hoạt thì hàng năm tập đoàn đã có sự phân cấp từng doanh nghiệp theo tình hình sức khoẻ".

Trình tự thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư cũng là băn khoăn được đặt ra, để hạn chế rủi ro chồng chéo giữa các luật.

Ông Nguyễn Công Luận - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) nêu ý kiến: "Trình tự và thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền như Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được thực hiện theo Luật Đầu tư hiện hành để thống nhất trong việc áp dụng Luật, tránh các quy định chồng chéo".

Vấn đề lương, thưởng, và sử dụng lợi nhuận sau thuế cũng là những cơ chế được doanh nghiệp góp ý hoàn thiện.

Ông Nguyễn Duy Giang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) nhận định: "Lương của Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, thuộc chi phí doanh nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng lợi nhuận sau thuế để chi trả là không phù hợp về hạch toán và quản trị. Việc nộp lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ, tức là phân phối lợi nhuận, bản chất là chia cổ tức thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, trên cơ sở tình hình doanh nghiệp. Vì vậy, việc quy định nộp về doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp là hoạt động can thiệp hành chính vào công tác quản lý của Công ty Cổ phần".

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, mục tiêu của dự thảo luật là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Do vậy, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ Quốc hội xem xét, ban hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước