Hiệu ứng “roi da” trong ngành sản xuất ô tô

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/06/2021 13:01 GMT+7

VTV.vn - Chip bán dẫn được coi là bộ não của mọi sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, nguồn cung chip hiện nay vẫn thấp hơn tới 30% so với nhu cầu trên thị trường toàn cầu.

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Mỹ Forrester, khủng hoảng nguồn cung chip có thể kéo dài đến năm 2023. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tạo ra hiệu ứng hòn tuyết lăn. Nguyên nhân đầu tiên là do đại dịch COVID-19, thế giới đóng cửa, nhà máy ngưng sản xuất. Hệ quả là chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến nguồn cung chip giảm.

Trung Quốc thu gom chip toàn cầu

Mặc dù nhu cầu chip của phần lớn các ngành đều bị cắt giảm trong năm 2020, thế nhưng cầu từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu chip số 1 thế giới lại không hề giảm, thậm chí họ còn thu gom "điên cuồng" hơn thời dịch bệnh.

Sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp các lệnh cấm bán chip cho doanh nghiệp Trung Quốc, nước này đã tăng cường thu mua từ mọi nguồn, vì lo ngại chuỗi cung có biến động. Các công ty gia công chip toàn cầu cũng sẽ ưu tiên sản xuất đơn hàng cho Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu đặt hàng chip của các nước khác giảm mạnh. Đây cũng là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến sự thiếu hụt trong nguồn cung chip.

Hiệu ứng “roi da” trong ngành sản xuất ô tô - Ảnh 1.

Khủng hoảng nguồn cung chip có thể kéo dài đến năm 2023. (Ảnh minh họa: Paultan)

Các ngành công nghiệp đưa ra dự báo sai về nhu cầu tiêu dùng

Nguyên nhân thứ 3 là ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp điện tử nói chung đã đưa ra các dự báo sai. Sau khi chứng kiến sản xuất ô tô bị đình trệ vào thời kỳ đầu của đại dịch, các nhà sản xuất chip đã chuyển đổi dây chuyền sang cung cấp chip cho các thiết bị công nghệ khác, khi nhu cầu máy tính và thiết bị điện tử tăng do xu hướng làm việc từ xa. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng không lâu sau, doanh số bán xe đã nhanh chóng phục hồi.

Chỉ riêng tại Mỹ, sau khi phong tỏa trong tháng 3, doanh số bán xe ô tô mới đã lao dốc 38,4% so với cùng thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, đã có nhiều xe được bán ra hơn. Doanh số bán xe trong tháng 5 chỉ còn giảm 30%, tháng 6 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực hơn.

Khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, nhu cầu sở hữu xe oto càng tăng. Ước tính 83,4 triệu xe trong năm 2021, tăng 9% so với dự báo 76,5 triệu xe trong năm 2020. Đây là điều mà không một nhà sản xuất nào có thể dự báo được trước đó.

Hiệu ứng "roi da" trong ngành sản xuất ô tô

Chính dự báo sai này đã tạo ra hiệu ứng "roi da" (bullwhip effect) - hiện tượng khuếch đại nhu cầu sản xuất trên toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt trong ngành sản xuất ô tô.

Hiểu đơn giản, nếu nhu cầu mua xe của khách hàng là sóng thứ nhất tăng, thì các hãng xe sẽ phải tăng số xe phải sản xuất, nhiều hơn nhu cầu thực, tương ứng với sóng thứ 2. Chưa dừng lại, nhu cầu tiếp tục khuếch đại hơn, ở cuối chuỗi cung ứng là các nhà sản xuất chip. Họ nhận được nhiều đơn hàng chip hơn để phòng những trường hợp xấu như những làn sóng dịch bệnh mới.

Như vậy trong hiệu ứng này, nhu cầu sau luôn được khuếch đại và người đứng ở phía cuối chuỗi cung ứng, ở đây các công ty gia công chip chịu sự dồn nén nhiều nhất. Tuy nhiên chưa dừng lại, không chỉ một hãng xe tạo ra hiệu ứng "roi da", mà nhiều hãng xe trên thị trường cũng có chung tâm lý này.

Thậm chí, tỷ phú Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, còn phải thốt lên trên Twitter cá nhân rằng tình trạng khan hiếm chip toàn cầu không khác gì với khủng hoảng giấy vệ sinh tại Mỹ, nhưng ở một quy mô khủng khiếp hơn.

Vị tỷ phú này đổ lỗi cho các doanh nghiệp đã trở nên hoảng sợ và "điên cuồng" gom hàng tích trữ, khiến tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng, thổi giá chip tăng vọt.

CNBC nhận định, ngành công nghiệp sản xuất ô tô chịu cú giáng nặng nề hơn cả từ khan hiếm nguồn cung chip. Vào tháng 2 năm nay, CNBC ước tính ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu sẽ chịu thiệt hại 60 tỷ USD do thiếu chip. Tuy nhiên chưa đầy 3 tháng sau, đội ngũ chuyên gia kinh tế này cũng dự báo con số thiệt hại đã tăng gần gấp đôi.

Ngành công nghiệp ô tô - nạn nhân lớn nhất trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

Theo tờ Forbes, một chiếc xe ô tô thông thường (tức loại chạy xăng hay dầu) cần 3 loại chip lõi cơ bản:

- Thứ nhất: Loại 16 nm hoặc thấp hơn;

- Thứ hai: Loại từ 16 - 40 nm (sử dụng trong chip nhớ, thiết bị cảm biến…);

- Thứ ba: Loại trên 40 nm (chuyên sử dụng trong bộ phận theo dõi động cơ).

Hai loại đầu không hề thiếu hụt trên thị trường toàn cầu. Vấn đề chỉ nằm ở loại chip trên 40 nm - vốn sử dụng những công nghệ cũ, không được các hãng sản xuất chip lõi như TSMC hay Samsung chú trọng trong dây chuyền sản xuất. Khi chip lõi này không được ưu tiên sản xuất trong quá trình chuyển đổi dây chuyền hoạt động giai đoạn dịch bệnh, hệ quả nhãn tiền là chip đóng gói cho ô tô sẽ bị thiếu hụt.

Hiệu ứng “roi da” trong ngành sản xuất ô tô - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô chịu cú giáng nặng nề hơn cả từ khan hiếm nguồn cung chip. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

"Nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp và ô tô đi xuống, họ cắt giảm đơn đặt hàng chip của mình. Bây giờ họ sẽ phải xếp hàng chờ. Mô hình kinh doanh xưởng đúc chip dựa trên tỷ suất lợi nhuận và khối lượng, chip lõi cho ô tô chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu. Vì vậy, dù hiện nay nhu cầu cả ngành này tăng cao và các nhà sản xuất ô tô cần chip, họ không được coi là ưu tiên", Phó Chủ tịch mảng Chất bán dẫn và Thiết bị điện tử Gartner Gaurav Gupta cho hay.

Chính bởi biên lợi nhuận thấp trong khi nguồn cung chip lõi hạn chế nên nhiều tập đoàn gia công hay đóng gói chip như: NVDIA, AMD, Intel… đang ưu tiên sản xuất chip hoàn thiện cho ô tô điện hơn là cho những dòng xe chạy xăng hay chạy dầu. Do đó, tình trạnh thiếu hụt chip ô tô sẽ còn kéo dài.

Để giải quyết "cơn khát" chip tạm thời, trong một động thái bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, hãng chip lớn nhất TSMC đã tuyên bố tăng sản lượng chip lõi cho ô tô năm nay thêm 60% so với 2020, bất chấp biên lợi nhuận thu về là thấp trên mỗi con chip. Tuy nhiên, để giải được nguồn cung chip lõi cho ngành công nghiệp ô tô nhanh nhất mất từ 9 - 15 tháng, khi đó cung mới gặp được cầu.

Vì vậy, chỉ cần một yếu tố tác động như xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan, Trung Quốc, hay cháy nhà máy sản xuất chip ô tô tại Nhật Bản… càng khiến tình trạng thiếu chip bán dẫn trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiêm túc nhìn nhận thực tế này và đưa ra chiến lược riêng nhằm tự chủ nguồn cung chip.

Các quốc gia tăng cường tự chủ nguồn cung chip

Mới đây nhất, Nhật Bản vừa ký kết tham gia dự án trị giá 338 triệu USD nhằm phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tại nước này, phối hợp với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC.

Trước đó, Hồi đầu tháng 5, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 450 tỷ USD để nâng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chip trong nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

"Hàn Quốc sẽ đạt mục tiêu trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về thiết bị tích hợp, bao gồm cả chip hệ thống, vào năm 2030. Dựa trên sức mạnh ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước, với chiến lược bán dẫn mới, Hàn Quốc sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh của mình trong giai đoạn hậu COVID-19", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh.

Dự báo nguồn cung chip toàn cầu có thể còn thiếu hụt tới năm 2023. Bởi vậy, không chỉ Hàn Quốc, mà Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tự chủ ngành bán dẫn. Tại Mỹ, Apple, Microsoft, Google, Amazon đang cùng với Intel thành lập một nhóm vận động hành lang mới để thúc đẩy chính phủ trợ cấp sản xuất chip bán dẫn.

Với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng thiếu chip hiện nay. Mặc dù còn quá sớm để Việt Nam có thể tự tính tới việc sản xuất chip, tuy nhiên một chiến lược quốc gia phát triển ngành điện tử, chú trọng vào các sản phẩm, thiết bị thông minh ở cuối chuỗi, như: điện thoại, camera, hay ô tô là điều có thể làm ngay để thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội. Khi khả năng hấp thu công nghệ của Việt Nam đủ lớn, những bài toán khó hơn sẽ được tính tới.

Giới sản xuất chip bán dẫn toàn cầu đang “hái ra tiền” Giới sản xuất chip bán dẫn toàn cầu đang “hái ra tiền”

VTV.vn - Nhu cầu chip bán dẫn tăng mạnh trong đại dịch đã góp phần giúp cho các nhà sản xuất chip đạt được những kết quả ấn tượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước