Hàng Việt thất thế trong “cuộc chiến giá rẻ” trên thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ năm, ngày 05/12/2024 10:48 GMT+7

VTV.vn - Trong 2 năm qua, đã có gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường, tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đưa hàng ngoại giá rẻ thâm nhập thị trường nội địa

Trong vài tháng gần đây, một số sàn thương mại điện tử lớn với chủ lực là hàng giá rẻ của nước ngoài đang có động thái mở rộng vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt với mô hình làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất để bán hàng. Cắt giảm nhiều khâu phân phối trung gian để đưa ra mức bán lẻ rẻ nhất có thể.

Cùng với việc hệ thống kho bãi, logistics phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cả trong và ngoài nước những năm gần đây tăng trưởng nhanh, đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Tất cả những yếu tố này đang tạo điều kiện để hàng hóa nước ngoài gia tăng sức ép cạnh tranh lên thị trường nội địa.

Để tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam dễ dàng, trong 1 năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu đầu tư các mô hình mà giới trong ngành gọi là "kho livestream nội đô" tại TP Hồ Chí Minh. Ở đây có hàng chục phòng quy mô từ vài trăm m2 đến chỉ vài m2 được dùng để tổ chức các phiên livestream mỗi ngày. Doanh nghiệp đứng sau mô hình "kho nội đô" cung cấp đa dạng các dịch vụ từ đào tạo nhân sự livestream, xây kênh bán hàng... cho đến cung cấp nguồn hàng.

Từ phụ kiện điện tử, mỹ phẩm cho đến các mặt hàng đồ gia dụng, xe máy điện… nhiều mặt hàng ngoại nhập đều được lưu kho sẵn, để đến tay người mua qua các phiên livestream một cách nhanh nhất. Doanh nghiệp giới thiệu là đại lý độc quyền cho nhiều thương hiệu, nhãn hàng giá tốt của Trung Quốc. Mời gọi các các nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm tiếp thị liên kết với mức chiết khấu từ 15 đến 45%.

Nguy cơ hàng Việt mất thị phần

Trước sức ép từ hàng hóa ngoại nhập qua thương mại điện tử, câu hỏi lớn cần được đặt ra là làm thế nào để có thể bảo vệ ngành sản xuất, hàng hóa Việt Nam trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới. Bởi trên thực tế, đã có doanh nghiệp sản xuất trong nước lâm vào cảnh lao đao vì cuộc cạnh tranh giá rẻ trên thương mại điện tử.

Doanh nghiệp của anh Bùi Đức Thiện sản xuất hàng giày dép có thương hiệu chuyên bán trên thương mại điện tử. Khoảng 2 năm trở lại đây, anh cảm nhận rõ tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm giá rẻ nhiều hơn. Trong khi cùng một kiểu sản phẩm, hàng ngoại có thể rẻ hơn từ 30 đến 50%.

Ông Bùi Đức Thiện - Sáng lập Erosska Store cho biết: "Bên đó họ có những lợi thế mà các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh lại. Ví dụ như một mẫu giày thì bên mình đang muốn nó trở thành dòng sản phẩm siêu nhẹ thì với doanh nghiệp Trung Quốc họ có công nghệ để làm được. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ để tiếp cận công nghệ sẽ rất khó khăn".

Còn với chị Diếp Thị Diễm Thanh - Phó Giám đốc Thương hiệu Thời trang SDVN StreetWear, duy trì được sản xuất như trước đã là điều gì đó xa xỉ. Đến bây giờ chị vẫn không tin rằng, xưởng sản xuất quần áo từng lọt top bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử mới 2 năm trước nay phải chấp nhận cảnh ế ẩm, hoạt động cầm chừng khi doanh số giảm hơn 50%.

Xu hướng mua sắm thông qua các livestream, video giải trí lên ngôi. Phải vừa đổ tiền tỷ cho chi phí quảng cáo, vừa cạnh tranh giảm giá, lại phải cạnh tranh với hàng nước ngoài giá rẻ là bài toán khiến chị bất lực, có lẽ đến mức chỉ có thể giải tỏa bằng những giọt nước mắt.

Hàng Việt thất thế trong “cuộc chiến giá rẻ” trên thương mại điện tử - Ảnh 1.

Theo các đơn vị nghiên cứu dữ liệu thương mại điện tử tại Việt Nam cho thấy, ước tính tỷ trọng hàng có địa chỉ giao từ nước ngoài hiện chiếm khoảng 12% tổng sản lượng hàng trên thương mại điện tử ở nước ta. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, như thế không có nghĩa là nguy cơ hàng Việt Nam mất thị phần cho hàng ngoại là nhỏ.

Xu hướng chuộng sản phẩm giá rẻ đang tạo lợi thế cho hàng ngoại. Trong quý III, các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử.

Doanh nghiệp ngoại đang có cách tiếp cận bài bản, từ khâu sản xuất đến phân phối hàng vào nước ta qua thương mại điện tử. Đến nay, trong 4 sàn thương mại đa ngành lớn nhất thì có hơn 95% thị phần giao dịch là thuộc về doanh nghiệp ngoại. Đồng nghĩa việc sở hữu và nắm bắt dữ liệu hành vi tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết: "Với việc nắm bắt hành vi, sức mua như vậy, họ sẽ có những sự cộng tác với các nhà sản xuất từ Trung Quốc, giúp cho họ điều chỉnh, phục vụ sát hơn thói quen của người tiêu dùng Việt Nam".

Hàng Việt thất thế trong “cuộc chiến giá rẻ” trên thương mại điện tử - Ảnh 2.

Dù thương mại điện tử vẫn phát triển, nhưng theo dữ liệu của Metric, thực tế số lượng nhà bán hàng tại Việt Nam đang có xu hướng giảm. Trong 2 năm qua, đã có gần 65.000 nhà bán hàng trên thương mại điện tử rút lui khỏi thị trường, tương ứng số lượng nhà bán hàng hoạt động giảm đến 15%.

Tại Công điện ngày 26/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá hàng hoá nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hoá sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hoá này, các giải pháp đưa ra phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hiện Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia kỳ vọng các giải pháp phù hợp sẽ được triển khai kịp thời, để hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử

VTV.vn - Doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức khi những sàn thương mại điện tử từ nước ngoài đang có chiến lược phát triển rầm rộ vào Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước