Thị trường Halal: Mảnh đất hứa cho hàng Việt. Ảnh: TL
Hàng Việt tiến sâu vào thị trường trị giá hàng tỉ USD
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), việc kết nối thị trường trong nước với thị trường Halal (thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển) không chỉ là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh mà còn là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành Halal và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu.
Cũng tại hội nghị, đánh giá về tiềm năng của Việt Nam, Tiến sĩ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) cho biết, Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với các lợi thế của mình, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal. Hợp tác giữa Saudi Arabia và Việt Nam có thể tạo ra hệ sinh thái Halal thịnh vượng. “Thị trường Halal rất đa dạng, gồm các sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang… Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nắm bắt các cơ hội và việc tham gia thị trường này là một bước đi chiến lược của Việt Nam, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế Halal”, Tiến sĩ Yousif S.AlHarbi nhấn mạnh.
Về câu chuyện này, bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á, châu Phi (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương) cho biết thêm, thị trường Halal toàn cầu có quy mô hơn 2 tỷ người và ghi nhận tăng trưởng hằng năm lên đến 20 - 30%. Tổng giá trị thương mại toàn cầu của các sản phẩm Halal năm 2022 đạt khoảng 2.300 tỷ USD. Dự báo, nền kinh tế Halal có thể đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước năm 2030. Đặc biệt, khu vực Trung Đông có dân số theo đạo Hồi rất lớn, chiếm 25% toàn thế giới nên đây là thị trường rất tiềm năng cho hàng Halal xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Theo đó, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam. “Với những ưu đãi hấp dẫn từ CEPA, cánh cửa cho các sản phẩm Halal Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông đang rất rộng mở”, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, trước hết, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ các cam kết của Hiệp định, cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung. Đối với thị trường này, yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng. Để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết thực thi CEPA và đánh giá những tác động dự kiến của Hiệp định đến các đối tượng có liên quan. Song song với đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt. Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt đã nắm bắt được thông tin và đang lên hoàn thiện giấy phép Halal để xuất khẩu sản phẩm sang Trung Đông”, bà Phương cho biết thêm.
Thị trường tiềm năng hàng đầu cho nông sản Việt
Trong nhiều năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với trị giá hơn 53 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 47 tỷ USD, phấn đấu cả năm đạt khoảng 60 tỷ USD. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo…
Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo…
Đơn cử như với thị trường Ả-rập Xê-út - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng rất lớn của nông sản Việt. Tính đến hết quý III/2024, tổng trao đổi thương mại song phương đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,18 tỷ USD, tăng 39% và nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, giảm 13,6%. “Hiện thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nông sản rất lớn, nhất là rau quả tươi như chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, thanh long, ổi, dừa tươi... Riêng đối với gạo, hàng năm Ả-rập Xê-út nhập khoảng 1,7 triệu tấn gạo, nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 35.000 tấn gạo vào thị trường này. Ngoài ra, Ả-rập Xê-út cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cà phê, hạt, gia vị, hải sản tươi (như tôm, cá, mực và cá ngừ đóng hộp)... từ thị trường Việt Nam”, ông Trần Trọng Kim - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cho biết.
Theo ông Kim, Việt Nam có tiềm năng lớn trong cung cấp nông sản và thực phẩm Halal phù hợp với nhu cầu tiêu dùng tại Trung Đông nói chung và Ả-rập Xê-út nói riêng đối với các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, mỹ phẩm cần có chứng chỉ Halal. Tuy nhiên, thị trường này có quy định nghiêm ngặt và yêu cầu rõ ràng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo thách thức cho các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong thời gian tới nên các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch Halal với đường bờ biển dài hơn 3 nghìn km, nhiều hệ sinh thái quan trọng, đa dạng và nhiều vịnh, bãi biển được đánh giá đẹp nhất thế giới.
Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện "5 đẩy mạnh" để phát huy nội lực và hợp tác quốc tế về Halal. Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Thứ hai, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến Halal, nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược và mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến Halal (công nghệ, dây chuyền sản xuất, hậu cần…). Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam. Thứ năm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, từ đó tăng cường sự chia sẻ, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp hai bên về những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!