Hãng bay giá rẻ của Mỹ nộp đơn xin phá sản

Ngọc Hiền-Thứ năm, ngày 21/11/2024 14:54 GMT+7

VTV.vn - Đại diện hãng hàng không cho biết, hành khách có thể tiếp tục sử dụng tất cả dịch vụ như đặt vé máy bay, tín dụng và điểm thưởng như bình thường.

Ngày 18/11, Spirit Airlines - hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Mỹ - thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Lý do chính được hãng đưa ra bao gồm thua lỗ kéo dài, nợ lớn không thể trả, cạnh tranh khốc liệt và các thương vụ sáp nhập bất thành. Trong thời gian tái cấu trúc, Spirit cam kết duy trì hoạt động, đảm bảo hành khách vẫn có thể đặt vé, bay và sử dụng các chương trình khách hàng thân thiết như bình thường.

Đại diện hãng hàng không cho biết, hành khách có thể tiếp tục đặt vé và bay mà không bị gián đoạn và có thể sử dụng tất cả vé, tín dụng và điểm thưởng như bình thường.

Từ năm 2019, Spirit chưa từng có lãi. Riêng nửa đầu năm nay, hãng lỗ 360 triệu USD dù nhu cầu bay tại Mỹ vẫn cao. Sự cạnh tranh gay gắt đã khiến giá vé trung bình của họ giảm 19% so với năm trước, trong khi khoản nợ phải trả lên tới 1,1 tỷ USD từ nay đến năm sau.

Theo dữ liệu từ Cirium, một công ty phân tích hàng không, giá vé khứ hồi nội địa trung bình của hãng trong năm nay là 136 đô la, chưa bao gồm thuế và phí. Thấp hơn 61% so với mức trung bình của ngành công nghiệp Hoa Kỳ và thấp hơn 69% so với mức trung bình của bốn hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ — American, United, Delta và Southwest.

Hãng bay giá rẻ của Mỹ nộp đơn xin phá sản - Ảnh 1.

Spirit Airlines đã phải vật lộn với nhiều khó khăn trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: CNN.

Spirit kỳ vọng sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản vào đầu năm tới khi khối nợ giảm và khả năng tài chính linh hoạt hơn. Hãng cũng đã thỏa thuận với các chủ nợ, nhận thêm 300 triệu USD để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Spirit có thể bị mua lại hoặc phải thanh lý tài sản, tương tự nhiều hãng hàng không khác tại Mỹ.

Sự bất ổn của Spirit có thể đẩy giá vé hàng không tại Mỹ tăng cao. Mô hình giá rẻ của họ đã tạo áp lực buộc các hãng lớn như American Airlines, Delta và United tung ra hạng vé "phổ thông cơ bản". Nếu Spirit giảm số chuyến bay, cắt giảm điểm đến hoặc bị mua lại, áp lực giảm giá sẽ giảm đi đáng kể.

Spirit thành lập năm 1964 với dịch vụ vận tải đường dài, trước khi chuyển sang hàng không vào năm 1983 và đổi tên thành Spirit Airlines vào năm 1992. Hãng nổi tiếng với chiến lược giá vé cực thấp nhưng thu phí cho hầu hết các dịch vụ khác, từ hành lý xách tay đến chỗ ngồi. Giá vé khứ hồi nội địa trung bình năm nay của họ là 136 USD, thấp hơn 61% so với mặt bằng chung ngành hàng không Mỹ.

Mô hình giá vé thấp dẫn đến một số lượng lớn khiếu nại của hành khách đối với Spirit. Trong khảo sát mới nhất về mức độ hài lòng của hành khách, Spirit và Frontier Airlines xếp cuối bảng. Những năm gần đây, Spirit đã cố gắng sáp nhập với Frontier Airlines và JetBlue Airways nhưng đều thất bại do lo ngại vi phạm quy định cạnh tranh.

Việc xin bảo hộ phá sản buộc Spirit phải hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York. Cổ phiếu của hãng đã giảm 93% từ đầu năm, trong đó mất 18% chỉ trong tuần trước khi xuất hiện tin đồn phá sản. Spirit hy vọng việc tái cấu trúc sẽ giúp họ thoát khỏi khủng hoảng, nhưng tương lai vẫn còn nhiều bất định.

Nhưng cũng có khả năng Spirit sẽ được một hãng hàng không khác mua lại hoặc buộc phải thanh lý. Nhiều hãng hàng không như American, đã mua lại tài sản của Spirit sau khi phá sản và sáp nhập với một hãng hàng không khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước