Hà Nội: Giá trầu cau neo cao dịp Rằm tháng Giêng

TTXVN-Thứ sáu, ngày 23/02/2024 21:24 GMT+7

Trầu, cau được bày bán - Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

VTV.vn - Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu "hạ nhiệt" so với dịp tết Nguyên đán, chỉ có giá cau trầu vẫn neo ở mức cao.

Thị trường các lễ vật cúng rằm tháng Giêng tại Hà Nội diễn ra khá sôi động, lượng người mua tăng mạnh so với ngày thường. Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu "hạ nhiệt" so với dịp tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng "chặt chém".

Theo dân gian cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng. Đây là dịp lễ đặc biệt, rằm tháng Giêng được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong một năm theo Âm lịch, diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Ghi nhận từ sáng ngày 23/2 (tức 13 tháng Giêng), tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, Chợ Hôm Đức Viên, chợ Kim Liên… lượng khách mua sắm đồ cúng rằm bắt đầu tăng cao. Theo ghi nhận, giá một số loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, hoa tươi giảm so với dịp Tết Nguyên đán.

Hà Nội: Giá trầu cau neo cao dịp Rằm tháng Giêng - Ảnh 1.

Mỗi quả cau và lá trầu có giá từ 10.000 – 25.000 đồng, tùy theo độ đẹp của cau - Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Theo đó, giá thịt lợn từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò các loại từ 220.000 – 270.000 đồng/kg, thịt gà lông từ 120.000 – 140.000 đồng/kg. Riêng gà trống sống giá dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm cho biết, mặc dù nhu cầu mua gà cúng rằm tháng Giêng tăng cao nhưng giá bán đã giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg so với dịp trước Tết.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng rau, hoa quả cũng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh. Giá hoa quả ngày rằm cao hơn ngày thường, nhưng đã rẻ hơn dịp Tết nguyên đán từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Cụ thể, một số loại quả khách mua nhiều như táo có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, xoài Cát Chu từ 50.000 - 60.000 đồng/kg; cam sành từ 35.000 - 65.000 đồng/kg; quả phật thủ dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/quả (tủy loại to nhỏ).

Giá rau xanh đã dần "giảm nhiệt", hiện cải chíp, bắp cải có giá 15.000 đồng/kg, hoa lơ xanh 10.000 đồng/cái, hoa lơ trắng 15.000 đồng/cái, rau cần 10.000 đồng/mớ, su hào 8.000 -10.000 đồng/củ.

Tuy nhiên, chỉ giá cau trầu vẫn neo ở mức cao tương đương với dịp Tết Nguyên đán. Các tiểu thương cho biết, cau năm nay ra hoa đậu quả sớm, nên nguồn cung hạn chế, giá từ dịp Tết ông Táo đến nay cao gấp hai lần so với những năm trước. Thời điểm này, mỗi quả cau và lá trầu có giá từ 10.000 – 25.000 đồng, tùy theo độ đẹp của cau.

Hoạt động mua bán tại các chợ ngày rằm tháng Giêng sôi động không kém dịp Tết Nguyên đán, nhiều quầy hàng đông khách. Đặc biệt, mặt hàng hoa tươi dịp này tiêu thụ mạnh. Giá hoa tươi dịp rằm tháng Giêng tuy có giảm so với đợt Tết Nguyên đán, nhưng không đáng kể. Giá hoa cúc ngày sát Tết Nguyên đán khoảng 5.000 - 7.000 đồng/bông thì nay chỉ 4.000-5.000 đồng/bông; hoa hồng đến nay chỉ còn 10.000-12.000 đồng/bông; hoa cau 15.000 đồng/nhánh, đều giảm so với dịp Tết…

Ngoài việc tự đi mua sắm, dịch vụ đặt nấu cỗ và giao tại nhà vừa ngon vừa tiện lợi được xem là giải pháp mà không ít gia đình lựa chọn trong ngày rằm tháng Giêng. Mâm cỗ có giá khá phải chăng, từ 1 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/mâm, với đầy đủ các món như gà hấp lá chanh, nem rán, canh mọc nấm, xôi ngũ sắc, giò chả…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước