Tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện liên tục, quý sau tăng cao hơn quý trước đã nội lực khá tốt của Việt Nam.
Tỷ giá tăng nóng từ đầu tháng 10
Theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá luôn là yếu tố nhà đầu tư nên quan tâm vì nó phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền.
Trong tháng 10, diễn biến tỷ giá trong nước "nóng" hơn hẳn thời gian trước đó. Một phần do diễn biến tăng rất mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức trên 104 điểm hiện nay.
Phấn khác là do, tình hình xuất nhập khẩu tính đến hết quý III theo công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, cán cân thương mại tuy vẫn xuất siêu, nhưng lại có xu hướng suy giảm. Cụ thể, Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 tuy vẫn xuất siêu 2,29 tỷ USD, giảm chỉ còn hơn nửa so với con số xuất siêu 4,53 tỷ USD trong tháng trước đó.
Thêm vào đó, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 (từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2024) đạt 31,93 tỷ USD. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 15,78 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 968 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024. Với số liệu trên, trạng thái xuất siêu của nửa đầu tháng 10 chỉ còn 0,37 tỷ USD.
Hơn thế nữa, số liệu về cán cân tổng thể về thanh toán quốc tế được NHNN tổng hợp cho thấy, nền kinh tế thâm hụt 6,066 tỷ USD trong quý II/2024.
Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cũng cho rằng, thường vào thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ Noel và năm mới của phương tây đẩy tỷ giá tăng cao. Mặt khác, "cầu" USD gần đây tăng để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế nên đẩy giá đồng tiền này lên.
Đến những ngày cuối tháng 10, tỷ giá có vẻ hạ nhiệt trong vài ngày gần đây. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VTV Times, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa kết luận được "đáp số" về đà tăng của đồng USD. Câu trả lời chính xác nhất phải chờ kết quả cuộc bầu cử Mỹ.
Như vậy, trong bối cảnh đồng VNĐ mất giá thời gian gần đây, trong khi Fed còn 2 cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm thì việc theo dõi sát sao thị trường ngoại hối là hết sức quan trọng đối với các nhà đầu tư trong nước.
Thị trường tiền tệ: Bất động để chờ số liệu tháng 10
Đối với tình hình hiện tại thì diễn biến xuất nhập khẩu và tình hình giải ngân vốn FDI chính là "điểm tựa" khá quan trọng cho nền kinh tế ở góc độ cân đối cung cầu ngoại tệ. Do đó, hiện giới tài chính trong nước đang "bất động" để chờ đợi Tổng cục Thống kê công bố chính thức số liệu kinh tế - xã hội tháng 10.
Xuất khẩu sẽ bứt tốc trong những tháng cuối năm.
Theo VnDirect, định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2024 sẽ vẫn tập trung vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, dự đoán về một số dữ liệu quan trọng của tháng 10, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra khá lạc quan. Tại Tọa đàm 'Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức' do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của triển vọng kinh tế toàn cầu, các xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát thế giới còn ở mức cao, các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu…nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tích cực ở hầu hết các mặt. Trong đó, đáng chú ý, xuất nhập khẩu hàng hóa đang có xu hướng tăng nhanh hơn so với dự kiến và xuất khẩu sẽ bứt tốc trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện vượt bậc về chất lượng và hiệu quả vì có sức chống chịu rất lớn trước thiên tai và bất ổn trên thế giới. Nền công nghiệp đang có những bước phục hồi ngoạn mục. "Đà tăng tốc của vốn FDI trong tháng 9 có thể tiếp tục duy trì trong tháng 10 và các tháng tiếp theo. Rất có thể, trong những tháng cuối năm, vốn FDI thực hiện sẽ đạt mức cao kỷ lục", ông Hiếu nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia và nhà đầu tư đang chờ đợi và đặt kỳ vọng về sức phục hồi của các thị trường toàn cầu, thông qua đó tạo động lực để gia tăng kim ngạch xuất khẩu - điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2024./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!