Từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã tìm nhiều cách để ngăn chặn tình trạng mạo danh khoai tây Đà Lạt. Thế nhưng, cho đến lúc này, câu hỏi làm gì để minh bạch nguồn gốc nông sản, cụ thể là khoai tây vẫn tiếp tục là câu hỏi "nóng".
Đất đỏ Đà Lạt luôn sẵn có ở nhiều vựa khoai tây. Khoai tây Trung Quốc khi đóng gói, được "mặc" lớp đất đỏ Đà Lạt. Các vựa không nói gì về nguồn gốc khoai tây, những bao khoai tây cũng không có dấu hiệu gì để nhận biết. Sau nhiều khâu, nhiều chặng đến tay người tiêu dùng, khoai tây Trung Quốc đã trở thành khoai tây Đà Lạt, chỉ vì nơi xuất hàng là từ chợ Nông sản Đà Lạt.
Trước sự nhập nhằng hết sức nổi cộm này, chính quyền đã đưa ra biện pháp: in ra loại nhãn, một nhãn cho khoai tây Trung Quốc và một nhãn cho khoai tây Đà Lạt. Những nhãn này sẽ được gắn vào các bao khoai tây.
Tuy nhiên, khi phóng viên có mặt vào lúc các vựa đóng gói khoai tây, mỗi người lại có một lý do để giải thích, vì sao không dùng đến những chiếc nhãn phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt.
Trên thực tế việc gắn nhãn không phải là dễ dàng. Trong khi đó, mỗi năm, Lâm Đồng đưa ra thị trường hơn 2 triệu tấn rau, nhiều loại rau có kích cỡ đặc thù. Bởi vậy, nhiều người lo ngại, liệu rằng có thực hiện suôn sẻ lộ trình, đến hết năm nay, tất cả các loại nông sản được sản xuất tại Đà Lạt và các vùng lân cận, trước khi xuất đi tiêu thụ, buộc phải kiểm tra, gắn nhãn mác có logo "Rau Đà Lạt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!