Giảm 80% tiền ký quỹ - “Phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp du lịch hồi phục

Hùng Lĩnh-Thứ bảy, ngày 30/10/2021 06:16 GMT+7

VTV.vn - Quyết định giảm 80% tiền ký quỹ đến năm 2023 cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành được ví như "chiếc phao cứu sinh" giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để tái khởi động.

Bắt đầu cuối tháng này, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ được giảm 80% tiền ký quỹ đến năm 2023 theo Nghị định 94 vừa được Chính phủ ban hành. Như vậy, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh dịch vụ trong nước hay quốc tế, doanh nghiệp chỉ phải đóng mức ký quỹ là 20 triệu đồng hoặc 100 triệu đồng.

Chuẩn bị mở cửa trở lại vào đầu tháng 11 tới, Công ty du lịch Ucan Travel chỉ bán các sản phẩm du lịch trong nước, thay vì cả thị trường quốc tế như trước đây. Quy định giảm 80% tiền ký quỹ, tương ứng với số tiền 400 triệu đồng, giúp doanh nghiệp giảm đáng kể gánh nặng chi phí.

"Khoản tiền này trong giai đoạn dịch như vậy, giai đoạn khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp có thể sử dụng khoản tiền này giúp cho doanh nghiệp có được khoản tiền để hồi sinh, khởi động lại sau đại dịch cũng như có khoản tiền để chi trả tiền thuê mặt bằng, chi phí trả lương nhân viên", anh Hồ Minh Tống, Giám đốc Công ty du lịch Ucan Travel, cho hay.

Giảm 80% tiền ký quỹ - “Phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp du lịch hồi phục - Ảnh 1.

Bắt đầu cuối tháng 10, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ được giảm 80% tiền ký quỹ đến năm 2023 theo Nghị định 94. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Thống kê từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4 đến nay, hơn 90% doanh nghiệp du lịch tạm đóng cửa và 190 doanh nghiệp rút giấy phép hoạt động. Trong khi những doanh nghiệp còn lại vẫn đang loay hoay các chi phí cố định vì khó tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp. Việc cho phép rút lại tiền ký quỹ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để duy trì hoạt động.

"Trong giai đoạn khó khăn này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết được một số vấn đề, ví dụ như hiện nay họ rất khó khăn trong việc đóng bảo hiểm cho nhân viên. Khoản này cũng giúp cho họ giải quyết những khó khăn đó, chi phí văn phòng", bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, nhận định.

Hiện cả nước chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành. Phần lớn doanh nghiệp rời thị trường có quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh các địa phương từng bước mở cửa trở lại ngành du lịch, chính sách mới cũng tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này gia nhập thị trường.

"Chính sách này là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ quay trở lại với việc kinh doanh với một mức chi phí ký quỹ vừa phải, vừa với khả năng của mình. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm đang triển khai các hoạt động kích cầu sản phẩm du lịch và xúc tiến sản phẩm cũng là thêm một nguồn để tham gia đưa vào chi phí quảng bá, kích cầu du lịch, tạo nên sự sôi động hơn trong giai đoạn cuối năm", ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Marketing, TST Tourist, chia sẻ.

Theo quy định, số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ cũ và mới sẽ được ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo quy định mới. Hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trong vòng 30 ngày, từ ngày đổi.

Doanh nghiệp du lịch chưa mạnh dạn hoạt động lại Doanh nghiệp du lịch chưa mạnh dạn hoạt động lại

VTV.vn - Đến nay, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp du lịch tại TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch tổ chức tour liên tỉnh và gần như chưa có các sản phẩm mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước