Sau khi liên tục duy trì xu hướng giằng co với thanh khoản thấp trong hai tuần trước, VN-Index đã ghi nhận nhịp tăng điểm tích cực trong tuần đầu tiên của tháng 12. Trong đó, tâm điểm đổ dồn vào phiên tăng đột biến ngày 5/12 cùng dòng tiền gia tăng. Tổng cộng sau 5 phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.270,14 điểm, tương ứng tăng 19,68 điểm so với tuần trước.
Số liệu từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tương đương 69% GDP ước tính năm 2023. Để thị trường vốn, thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, rất cần những sáng kiến và giải pháp đột phá, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần các nguồn lực đầu tư hàng chục tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tại hội thảo về kinh nghiệm phát triển thị trường vốn do Hiệp hội các tổ chức xếp hạng châu Á và SaigonRatings tổ chức, các chuyên gia cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua mới đây là bước tiến quan trọng thúc đẩy thị trường vốn phát triển, tạo điều kiện và tăng niềm tin cho các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị đầu tư trái phiếu, với các điều kiện xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản đảm bảo.
Ông Phùng Xuân Minh, Tổng giám đốc Saigon Ratings cho biết: "Luật Chứng khoán đã có, giờ chúng ta khẩn trương hoàn thiện các văn bản dưới luật, triển khai nhanh để đưa vào thực tế có hiệu lực từ đầu năm 2026. Thứ hai là vấn đề hướng dẫn tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các thành viên tham gia thị trường, hạ tầng về vấn đề thị trường gồm các đơn vị tư vấn, các đơn vị kiểm toán, các công ty xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức liên quan để làm sao cùng chung tay tạo một hệ sinh thái thúc đẩy toàn bộ thị trường".
Đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7 triệu tỷ đồng
Việt Nam đang trong giai đoạn cần rất nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, sân bay, cao tốc... Kênh huy động trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ được xem là giải pháp hữu hiệu để huy động vốn từ các tổ chức, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Và điều này đã được minh chứng từ các nước như Thái Lan, Malaysia.
Ông Sakda Pongcharoenyong, Chủ tịch Tris Ratings, Thái Lan nhận định: "Tôi cho rằng một lượng lớn người dân cũng sẽ rất hứng thú đầu tư vào kênh trái phiếu của Chính phủ. Việc Chính phủ phát hành trái phiếu trong thị trường nội địa là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ. Ngoài ra, Thái Lan cũng có nhiều kênh kêu gọi vốn khác như Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng - đây chỉ đơn giản là một kênh mà Chính phủ dùng để kêu gọi vốn đầu tư và các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những dự án đầu tư dài hạn".
Ông Sharidan Salleh, Phó chủ tịch Marc Ratings, Malaysia nêu ý kiến: "Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, cảng biển, dự án điện năng lượng mặt trời bằng huy động vốn trái phiếu. Tuy nhiên, ở Malaysia, các dự án này không chỉ được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực từ Chính phủ mà cần có sự tham gia của khu vực tư nhân. Mô hình như vậy sẽ giúp các dự án được quản lý hiệu quả và tốt hơn".
Đại diện Saigon Ratings cũng cho rằng, để đạt mục tiêu GDP 8% vào năm 2025, cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, trở thành kênh huy động trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, nền kinh tế cũng sẽ khởi sắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!