Giải pháp nào để kích thích nhu cầu vay vốn nửa cuối năm?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/07/2023 06:01 GMT+7

VTV.vn-4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay mới giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2022… Nhiều nỗ lực của ngành trong 6 tháng đầu năm nhưng chưa đủ để thúc đẩy tín dụng.

Một trong những thông tin được quan tâm nhất gần đây là việc các ngân hàng đồng thuận giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, với mức giảm tối thiểu từ 1,5%-2%/năm. Giảm lãi suất liệu có đủ để giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh?

Việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất được đưa ra ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Ngân hàng nhà nước, mặt bằng lãi suất đã liên tục được điều chỉnh giảm. Trên cơ sở giảm lãi huy động, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân đã giảm về 8,6%/năm, tức là giảm 1,3%/năm so với cuối năm ngoái.

Tuy lãi suất có giảm nhưng vốn cho vay nền kinh tế vẫn yếu. Nhu cầu vay vốn đã giảm khá mạnh vào hai tháng đầu năm và chỉ nhích lên rõ hơn từ khoảng tháng 3 sau khi NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành. Đến cuối tháng 6, nhu cầu vay vốn mới tăng 4,7%, con số này thấp hơn nhiều so với tăng 9,4% của cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ hàng hóa nên cũng không có nhu cầu vay nhiều. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng được phản ánh là do mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, khiến họ phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định vay vốn. Vì thế, cam kết giảm lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng

40% sản lượng sản xuất của công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp được dùng để xuất khẩu. Doanh nghiệp này đang nỗ lực khai thác các đơn hàng xuất khẩu mới nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Doanh nghiệp tính toán, nếu được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đầu tư vào hệ thống máy móc công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài, thì doanh thu xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng hơn 20%.

Ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp, cho biết: "Động thái về giảm lãi suất ngân hàng và dòng tiền ưu tiên cho các doanh nghiệp là hoạt động tích cực và nhanh chóng cho doanh nghiệp, hỗ trợ rất nhiều cho chi phí sản xuất. Về giá thành có lợi thế cạnh tranh hơn cũng có cơ hội cho doanh nghiệp vực lại. Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi đang vay vốn tín dụng của ngân hàng, được hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thấp nhất bây giờ với 6,5%. Điều này khiến chúng tôi rất tự tin".

Còn công ty Cổ phần Nước Thuận Thành ước tính sẽ tiết kiệm được 200-300 triệu đồng/năm nhờ được giảm lãi suất. Gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, cải thiện tình hình kinh doanh để có động lực tiếp tục vay vốn đầu tư thêm vào hệ thống dây chuyền, mở rộng nhà máy.

Ông Vũ Mạnh Tuấn, Giám đốc, Công ty Cổ phần Nước Thuận Thành, nói: "Với mức lãi suất hiện nay được gói hỗ trợ từ phía ngân hàng, đợt vừa rồi chúng tôi cũng thấy giảm 1-2% so với năm ngoái. Cụ thể, hiện đang với mức lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp chúng tôi khoảng 8,5%/năm".

Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5% - 3%/ năm tuỳ đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kì vọng sẽ tiếp tục giảm thêm từ 0,2% - 2,5% trong nửa cuối năm nay.

Giải pháp nào để kích thích nhu cầu vay vốn nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, cho biết: "Chúng tôi cũng giảm thêm cho khách hàng hiện hữu, tuỳ đối tượng và sản phẩm, mức giảm sẽ từ 0,5% - 1%, có những phân khúc hoặc sản phẩm giảm 2%-3%. Mức lãi suất dễ chịu hơn sẽ tăng mức tiếp cận của khách hàng. Như vậy, khách hàng cũng thấy dễ dàng hơn trong việc tính toán phương án kinh doanh hiệu quả, họ sẽ mạnh dạn hơn khi vay vốn ngân hàng để thực hiện sản xuất kinh doanh".

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, năm nay khoảng 14%. Việc phân bổ sớm sẽ giúp các ngân hàng chủ động kế hoạch kinh doanh, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất tiềm năng.

Đồng bộ chính sách để kích thích tăng trưởng kinh tế

Một số doanh nghiệp đã được tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn phản ánh là họ phải vay lãi cao khoảng 9-10%/năm, đặc biệt với các khoản nợ đã vay từ thời gian trước. Nguyên nhân là bởi sau khi ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành, không phải ngay lập tức, các ngân hàng thương mại có thể giảm ngay lãi suất cho vay. Các chuyên gia cho rằng, cần độ trễ từ 2-3 tháng để các ngân hàng có thể bình quân giá vốn, từ đó, mới giảm được lãi vay.

Đã có hơn 18,8 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu nợ, với tổng số dư nợ cả gốc và lãi khoảng gần 62,5 nghìn tỷ đồng. Nhóm này, trước mắt, các ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 50% trong năm nay. Vì thế, các chuyên gia cho rằng cũng là yếu tố giúp giảm áp lực tài chính, để các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất.

Giải pháp nào để kích thích nhu cầu vay vốn nửa cuối năm? - Ảnh 2.

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, nói: "Yếu tố rủi ro chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn cho vay, nên lãi suất cho vay vẫn cao. Vậy dư địa để các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất vay thì rõ ràng nhìn vào yếu tố kiểm soát rủi ro. Tôi nghĩ rằng về chính sách vĩ mô, ngân hàng nhà nước đã giãn nợ, giảm bớt áp lực lập quỹ trích lập rủi ro, chỉ có 50%".

Bên cạnh lãi suất, các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần phối hợp động bộ với chính sách tài khóa; tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, nhận định: "Câu chuyện về giảm lãi suất chỉ là một vế, quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và mức độ kiểm soát rủi ro của nền kinh tế. Tôi rất mong muốn nó phải đồng bộ hoá hơn các nhóm chính sách, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá của chúng ta sẽ được tổ chức thực hiện tốt hơn nữa và nhanh hơn nữa. Cần thúc đẩy thêm giải ngân vốn đầu tư công như Thủ tướng chỉ đạo, quyết liệt hơn câu chuyện cải thiện đầu tư kinh doanh, thì mới tháo gỡ được cả cung và cầu".

Ngoài ra, ngân hàng nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng thương mại tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng chính sách, như gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất từ ngân sách và gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính Phủ đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đề nghị ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, đồng thời, rà soát điều kiện cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước