Giải cơn “khát” cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL

Đặng Công, Chinh Vũ-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 11:24 GMT+7

VTV.vn - Thiếu cát là khó khăn chung của các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Các giải pháp tháo gỡ đang được các địa phương tích cực được triển khai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các mỏ đang khai thác cần phải nâng công suất lên, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có dự án đi qua và đang có mỏ phải lập tức kiểm tra, giải quyết ngay thủ tục đăng ký khai thác đã được nhà thầu trình theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành trước ngày 30/6 tới đây.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long có nguồn cát đắp nền phục vụ cho 2 dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Bắc - Nam. Hiện cả 3 tỉnh này đều đã có kế hoạch cấp cát cho dự án với tổng khối lượng khoảng 19 triệu m3. Các giải pháp tháo gỡ đang tích cực được triển khai.

Để kịp hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào cuối năm 2023, nhà thầu đã làm nhiều cách đẩy nhanh tiến độ, nhưng gặp trở ngại vì lượng cát nhận được mỗi ngày chỉ từ 5.000 - 7.000 m3 khiến việc san lấp bị chậm.

Giải cơn “khát” cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Giai đoạn 2021 - 2025, có 4 dự án sẽ được đồng loạt triển khai ở vùng ĐBSCL. Nhu cầu cát đắp nền đường ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chúng tôi cần khối lượng cát gấp 3 lần sản lượng cát mà An Giang, Đồng Tháp cấp tại thời điểm này", ông Nguyễn Văn Lượng, đại diện Tổng Công ty 36, cho biết.

Thiếu cát là khó khăn chung của các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Giai đoạn 2021 - 2025, có 4 dự án sẽ được đồng loạt triển khai ở vùng này. Nhu cầu cát đắp nền đường ước khoảng hơn 35,6 triệu m3.

Hiện nay chính quyền các địa phương đang tập trung mở rộng nguồn cung bằng 2 cách: nâng công suất các mỏ có trữ lượng lớn và đẩy nhanh cấp phép với các mỏ chưa khai thác.

Những địa phương có trữ lượng cát sỏi lòng sông lớn là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang... Bên cạnh việc đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, các tỉnh này cũng đang tính toán triển khai phương án san sẻ, hỗ trợ các địa phương khác với lượng cát dôi dư.

Hiện chính quyền các tỉnh chỉ mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ, tương ứng chưa tới 1/3 tổng số mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình. Giới chuyên gia cho rằng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa vì lợi ích chung.

Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển ĐBSCL Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển ĐBSCL

VTV.vn - Nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại ĐBSCL hoàn thành đúng kế hoạch, khu vực sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước