Giá vàng trong nước sáng 15/6 giao dịch trên mức 57,1 triệu đồng/lượng. Ảnh: VOV.
Cụ thể, thời điểm 8 giờ 37 phút, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên qua, giao dịch ở mức 56,55 - 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý, giá vàng SJC niêm yết ở mức 56,65 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào, nhưng tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,55 - 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Về dài hạn, lạm phát cao sẽ là yếu tố đẩy giá vàng đi lên. Ảnh: PO.
Trên thị trường thế giới, sáng 15/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.862 USD/ounce. Đêm 14/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.866 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.867 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 14/6 cao hơn khoảng 22,7% (368 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh theo diễn biến của đồng USD trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong 2 ngày 15-16/6.
Tuần qua, giá vàng đã tăng mạnh lên ngưỡng 1.900 USD/ounce nhưng sau đó lại bị bán mạnh sau số liệu kinh tế ủng hộ đồng bạc xanh. Việc giá vàng liên tục không thành công trong việc chinh phục ngưỡng 1.900 USD khiến cho một số lệnh chốt lời xuất hiện.
Trong cuộc họp G7 có nhiều ý kiến trung lập và lạc quan về sự đổi mới của kỹ thuật số bao gồm tiền điện tử. Đây là tín hiệu tốt cho đồng Bitcoin và tạo ra áp lực đối với vàng. Dù vậy, về dài hạn, lạm phát cao sẽ là yếu tố đẩy giá mặt hàng kim loại quý đi lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!