Giá nhiều loại nông sản xuất khẩu tăng cao

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/04/2024 16:26 GMT+7

VTV.vn - Trong khi lúa mì và ngô được nhận định có xu hướng giảm, các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, ca cao đến sầu riêng vẫn được cho là sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

Tăng 3.500 đồng/kg trong ngày 23/4, cà phê trong nước tiếp tục lập vùng giá thu mua mới, cao nhất là 128.000 đồng/kg. Trong khi hồi đầu năm, chỉ neo ở mức 70.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn ICE London cũng tăng ở các kỳ hạn giao hàng, lên hơn 4.100 USD/tấn.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hoá Việt Nam cho biết: "Chủ yếu do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt là cà phê hay ca cao. Việc thời tiết bất lợi có thể khiến sản lượng toàn cầu có thể bị giảm hơn 10%, thậm chí nhiều hơn".

Vì giá thế giới tăng, nên dù lượng cà phê xuất khẩu trong quý I chỉ tăng 4,9% nhưng kim ngạch tăng tới hơn 57%, mang về hơn 1,9 tỷ USD.

Với sầu riêng, trong quý I năm nay, loại quả này cũng mang về trên 250 triệu USD, tăng tới 66% so với cùng kỳ năm 2023. Tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu đã đẩy giá thu mua sầu riêng lên mức cao, có thời điểm vượt 200.000 đồng/kg.

Hiện sắp rộ vụ từ tháng 5 nên giá đang quay đầu giảm nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sầu riêng sẽ tăng giá mạnh vào những tháng cuối năm, bởi nhiều yếu tố thuận lợi.

Giá nhiều loại nông sản xuất khẩu tăng cao - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp đang đàm phán để xin phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Năm 2024 thuận lợi hơn năm 2023 do sản lượng tăng, diện tích trồng mở rộng, mã số vùng trồng tăng so với năm 2023 gần gấp đôi là 700 mã. Thứ hai, Bộ Nông nghiệp đang đàm phán để xin phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, nếu kịp trong năm nay hoặc nửa đầu năm nay, đó là tin vui cho ngành sầu riêng".

Chuyên gia cho rằng, giá các loại nông sản sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì nhu cầu trên thị trường thế giới lớn, trong khi nguồn cung toàn cầu suy giảm.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hoá Việt Nam chia sẻ: "Các mặt hàng nông sản có tính chất mùa vụ, không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Vì vậy, kể cả khi không tăng thêm, tôi cho rằng, giá nông sản vẫn tiếp tục neo ở vùng giá cao trong ngắn và trung hạn. Ít nhất là đến hết quý II năm nay".

Đó là trong ngắn và trung hạn, còn tính đường dài, việc tăng giá trị cho hàng nông sản vẫn phải tính đến các phương án bền vững hơn.

"Việc xây dựng thương hiệu sẽ là một yếu tố quan trọng để giúp chúng ta nâng cao được giá trị của sản phẩm. Và việc đẩy mạnh chế biến sâu sẽ là một yếu tố nữa giúp cho các sản phẩm nông sản của chúng ta không chỉ tăng về khối lượng, mà còn về giá trị trong thời gian tới" - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.

Cùng với việc giá nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đang có được đà tăng trưởng rất khả quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 13,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,36 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước