Giá gà thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi thua lỗ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 18/10/2023 15:00 GMT+7

VTV.vn - Giá bán gà ta và gà công nghiệp cả năm 2022 và nửa đầu năm nay thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp.

Tăng cường giải pháp ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm 9 tháng của cả nước có chiều hướng gia tăng mạnh, nhất là ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Long An, An Giang. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị "Ngăn chặn nhập lậu gia súc gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững" diễn ra chiều qua tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều giải pháp quyết liệt hơn đã được đưa ra tại hội nghị nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu, bảo vệ người chăn nuôi, người tiêu dùng trong nước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm nay, có trên 130 vụ buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm bị phát hiện; bắt giữ và tiêu hủy hơn 300.000 động vật, sản phẩm động vật, chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương.

Hiện cả nước có 23 chốt kiểm dịch động vật cửa khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả do thiếu nhân lực. Thời gian tới, việc phối hợp liên ngành cần được ưu tiên để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nhập lậu, sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giả ngay từ biên giới, tránh để gia súc, gia cầm vào sâu nội địa sẽ khó kiểm chứng nguồn gốc.

Về phía các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phối hợp với Cơ quan quản lý thú y tăng cường truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển; đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ các hộ chăn nuôi hiểu rõ những nguy cơ dịch bệnh khi sử dụng các giống gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam ước tính, mỗi năm lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu vào nước ta lên tới 200.000 - 250.000 tấn. Mỗi tháng cũng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể, việc còn lại là tổ chức thực hiện tại các địa phương.

Chuẩn bị nguồn cung gia cầm cho cuối năm

Thời điểm này người chăn nuôi gia cầm trong nước cũng đang tăng đàn để kịp thời đáp ứng nhu cầu thịt gia cầm tăng cao vào cuối năm của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nguồn con giống đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là đòi hỏi cấp bách lúc này.

Đến thời điểm này năng lực sản xuất giống trong nước có thể cung ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp đã sẵn sàng lượng giống cho việc tăng đàn cuối năm.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm đạt khoảng 20 - 21 triệu tấn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Giá sản xuất thức ăn chăn nuôi có thời điểm tăng cao, nhưng hiện nay đã giảm khá nhiều.

Giá gà thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi thua lỗ - Ảnh 1.

Cơ quan chuyên môn đánh giá sản xuất chăn nuôi trong nước đến thời điểm này cơ bản vẫn ổn định, đảm bảo nguồn cung thịt, trứng dồi dào. (Ảnh: NLĐ)

Giá bán gà ta và gà công nghiệp suốt cả năm 2022 và nửa đầu năm nay đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề nhập khẩu gia cầm giống cũng như sản phẩm thịt, thì thị trường chăn nuôi trong nước sẽ khó ổn định.

"Sản xuất trong nước của chúng ta vẫn đang tăng trưởng, sức mua không tăng, bởi kinh tế không phục hồi một sớm một chiều, trong khi đó sản phẩm nhập khẩu chính ngạch tăng, tiểu ngạch nhập lậu cũng tăng. Chúng ta không thể mong có được thị trường tốt cho những tháng cuối năm đối với người chăn nuôi", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá.

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị cần đẩy mạnh tổ chức các chuỗi liên kết chăn nuôi tuần hoàn trong các ngành hàng để phát huy tối đa năng lực sản xuất, hướng tới giảm phát thải và phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.

Tổng đàn gia cầm tiếp tục tăng

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường hay giá thức ăn chăn nuôi, nhưng cơ quan chuyên môn đánh giá sản xuất chăn nuôi trong nước đến thời điểm này cơ bản vẫn ổn định, đảm bảo nguồn cung thịt, trứng dồi dào; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và một phần dành cho xuất khẩu, quan trọng là bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổng đàn và sản lượng gia cầm 9 tháng tiếp tục tăng ở cả khu vực chăn nuôi hộ gia đình,doanh nghiệp. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng 3,5%. Sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt khoảng 1,74 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng trứng đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn cung như hiện nay sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán.

Có hay không gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam? Có hay không gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam?

VTV.vn - Theo Cục Thú y, dù là gà hay các sản phẩm thịt động vật khác, khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện theo quy trình kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước