Giá dầu trong những ngày qua đã liên tục đạt những mức đỉnh mới, tiến tới dao động xung quanh ngưỡng 80 USD/thùng.
Các tính toán cho thấy, nhu cầu dầu của thế giới đã tăng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trước sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2010. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại đang liên tiếp ghi nhận những sức ép.
Báo Daily Star của Lebanon nhận định 3 yếu tố khiến giá dầu tăng. Thứ nhất là thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử đạt được giữa các nước OPEC và một số nước xuất khẩu dầu chủ chốt không phải OPEC như Nga. Thứ hai là việc Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân. Thứ ba là tình trạng bất ổn tại quốc gia nằm trong nhóm sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Venezuela.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử giữa OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu chủ chốt không phải OPEC đã lấy đi khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày. Hiện tại, sản lượng dầu của thế giới lại đang đứng trước viễn cảnh bị mất thêm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày từ nguy cơ Iran bị cấm vận và sự bất ổn tại Venezuela.
Tuy nhiên, thực tế để giá dầu tiếp tục tăng cũng không phải đơn giản. Theo Thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), giá dầu tăng quá nhanh lại đang đẩy Saudi Arabia, quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi các nước xuất khẩu dầu cắt giảm sản lượng, vào một tình thế khó xử. Nước này không muốn phá vỡ cam kết cắt giảm trước thời hạn nhưng lại lo lắng giá dầu tăng quá nhanh sẽ đẩy một số nền kinh tế phương Tây rơi trở lại vào suy thoái. Việc để giá dầu tăng như thế sẽ chỉ đẩy cả thị trường dầu rơi vào sụp đổ.
Giá dầu rơi trở lại mức 60 USD/thùng trong năm nay sẽ là điều khó có thể xảy ra. Nhưng nhận định chung của đa số chuyên gia là giá dầu sẽ dao động ở ngưỡng 70 USD/thùng, cùng lắm là 80 USD/thùng.
Báo Tin tức Vùng Vịnh (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cảnh báo, các quốc gia xuất khẩu dầu truyền thống chớ vội vui mừng trước đà tăng của giá dầu. Bởi thực tế là sản lượng dầu khí đá phiến cũng đang tăng lên nhanh chóng, dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 7,2 triệu thùng/ngày vào tháng 6 này. Đến năm 2019, sản lượng dầu khí đá phiến nhiều khả năng sẽ đạt tới gần 12 triệu thùng/ngày.
Đừng thấy giá dầu tăng trước mắt mà chủ quan là điều mà các quốc gia xuất khẩu dầu tại Vùng Vịnh đang nhắn nhủ với nhau và với chính mình.
Theo đó, với các quốc gia xuất khẩu dầu, giá dầu tăng có thể sẽ lại là lợi bất cập hại, nếu như nó làm chậm lại tiến độ cải cách các chính sách tài khóa của các quốc gia này.
Các số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của một số nước xuất khẩu dầu tại Trung Đông đã lên tới 80%, quá giới hạn có thể chấp nhận được. Bài toán phát triển của nhiều quốc gia Trung Đông giờ đây không còn là việc phải đưa được giá dầu tới mức bao nhiêu mà là phải cải cách được cấu trúc nền kinh tế của mình như thế nào.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!