Căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi được cảnh báo sẽ mở rộng sang một khu vực rộng lớn hơn. Những diễn biến mới này được dự báo sẽ làm tăng thêm áp lực cho ngành vận tải biển quốc tế vốn đã chịu nhiều sức ép trong năm vừa qua.
Theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Yemen, căng thẳng tại Biển Đỏ có thể lan ra toàn bộ vùng biển quan trọng này thay vì tập trung chủ yếu ở vùng biển phía nam như trước đây.
"Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ gia tăng với tàu chở hàng ở khu vực Biển Đỏ và cả khu vực biển xung quanh. Các diễn biến gần đây cho thấy xung đột đã mở rộng đáng kể phạm vi", ông Hans Grundberg - Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen cho biết.
Căng thẳng kéo dài đã khiến hầu hết các hãng vận tải biển đều ngừng khai thác tuyến đường kênh đào Suez trên biển Đỏ. Hiện chỉ còn hãng tàu CMA CGM khai thác kênh đào Suez một cách hạn chế với 11 tàu thường xuyên hoạt động.
Nhà cung cấp dữ liệu Linerlytica cho biết chỉ còn 14% tàu vận tải đi trên tuyến đường Âu - Á sử dụng kênh đào Suez, còn lại đều chọn các con đường xa hơn, như đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Giá cước vận tải biển leo thang cùng căng thẳng Biển Đỏ. (Ảnh minh họa: splash247)
Nếu phạm vi xung đột tại Biển Đỏ mở rộng sẽ gây thêm áp lực cho các hãng tàu trong việc điều chuyển chỉnh tuyến đường vận tải biển.
"Tôi cho rằng tất cả các hãng tàu lớn đều sẽ tiếp tục khai thác tuyến đường qua mũi Hảo Vọng ít nhất cho tới năm 2025. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu giá cước vận tải tiếp tục tăng mạnh trong những tuần tới", ông Hán-Henrik Nielsen - Giám đốc Phát triển Toàn cầu, Công ty dịch vụ vận tải biển CargoGulf nhận định.
Giá cước vận tải đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, giúp các hãng tàu ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, sau đó đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 7.
Giá cước vận tải biển tuyến đường Thượng Hải - Los Angeles đã giảm 3% trong tuần trước còn 7,288 USD cho mỗi container 40 feet, trong khi tuyến đường Thượng Hải - New York tăng nhẹ 2%. Sự leo thang căng thẳng tại Biển Đỏ có thể một lần nữa gây áp lực lên giá cước vận tải biển toàn cầu.
Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải bển tăng cao
Trước bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao tác động trực tiếp đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các hiệp hội liên quan khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu. Gia tăng phối hợp, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu... là giải pháp cấp bách cần triển khai ngay.
Bộ Công Thương cho biết hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ đều đầy đủ đơn hàng đến cuối năm. Do thị trường xuất khẩu chính của họ là châu Âu, châu Mỹ, nên trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp cập nhật tiến độ là cần thiết để cân đối giá cước vận tải phù hợp.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các hiệp hội liên quan khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trước việc giá cước vận tải biển tăng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: GLOBAL MARITIME)
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam cho biết bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.
Một lưu ý nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú tâm đó là phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng trong việc đăng ký thông quan đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hoá tồn đọng tại các cảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!