Gần 60% doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 22/08/2024 06:43 GMT+7

VTV.vn - Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hiện nay hơn một nửa các doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến.

Doanh nghiệp sản xuất bán bán hàng trực tuyến

Theo khảo sát, 44% số doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng các trang web, 58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đầu tư phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử, trong đó có hình thức bán hàng qua phát trực tiếp hay còn gọi là livestream - đây đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp sản xuất triển khai thực hiện. Những kênh bán hàng mới này đang được xem là phù hợp với thị hiếu, tiếp cận khách hàng hiệu quả và nhanh hơn. Tuy nhiên để thành công được cũng đòi hòi nhiều yếu tố.

Gần 60% doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội - Ảnh 1.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hiện nay hơn một nửa các doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến.

Một doanh nghiệp cho biết, từ 5 năm trước đã bắt đầu phát triển các kênh bán hàng online, song song với hệ thống bán lẻ truyền thống. Các gian hàng trên sàn thương mại điện tử như shopee, hay trên mạng xã hội như Tiktok và các buổi bán hàng phát trực tiếp livestream đang mang lại doanh thu gần 450 tỷ đồng 1 năm cho doanh nghiệp. Con số dự kiến sẽ còn tăng hơn gấp đôi trong 2 năm tới.

"Kênh bán hàng thương mại điện tử bán hàng trực tiếp đến người dùng tăng trưởng thì nó giúp cho người dùng hưởng lợi, giảm đi rất nhiều kênh phân phối trung gian. Không chỉ giúp đem lại doanh số, còn giúp doanh nghiệp đầu tư được hình ảnh thương hiệu đến trực tiếp với người dùng", ông Lê Hùng - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Sunhouse cho biết.

Trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng bán hàng livestream thì 1 người bán có thể bán từ 300 tới 500 triệu đồng tiền hàng. Ưu đãi cho người mua có rất nhiều như doanh nghiệp có thể giảm giá sản phẩm, sàn thương mại điện tử thì trợ giá cho người mua, hay chính những người bán cũng tổ chức các mini game để tặng quà cho người tiêu dùng.

Gần 60% doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội - Ảnh 2.

Trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng bán hàng livestream thì 1 người bán có thể bán từ 300 tới 500 triệu đồng tiền hàng.

Tiếp thị liên kết hay hiểu nôm na là thuê những người có sức ảnh hưởng để bán hàng hộ ở trên mạng. Hình thức này giúp sản phẩm của doanh nghiệp được tin tưởng nhanh chóng và mua số lượng lớn. Thậm chí như các megalive, bán được hàng tỷ đồng chỉ trong vài giờ. Và khi hàng bán trên mạng với số lượng quá lớn, giá lại quá rẻ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống các cửa hàng bán lẻ. Đây là điều mà các doanh nghiệp phải tính tới.

Theo ông Vũ Bảo Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Meta Ecom: "Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển riêng các sản phẩm dành riêng cho thương mại điện tử hoặc là đẩy các hàng tồn kho với số lượng lớn vào các megalive để tránh ảnh hưởng trực tiếp về mặt sản phẩm đối với các đại lý".

"Khi bán hàng online chúng ta có số lượng nhiều. Bảo quản, vận chuyển logistics và chăm sóc sau… đều phải có sự đầu tư một cách bài bản, tránh tình trạng kinh doanh chộp giật thì hiệu quả và thương hiệu sẽ không được lâu bền", ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khuyến cáo.

Ở trên mạng, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Các doanh nghiệp vì thế cũng nên có các phương án dự phòng rủi ro về mặt vận hành và truyền thông trên thương mại điện tử.

Các xu hướng bán hàng trực tuyến

Cũng theo các chuyên gia, để kinh doanh thành công trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất cần thường xuyên cập nhập thông tin chính thống từ nền tảng mà mình đang tham gia bán hàng. Từ đó xây dựng nội lực hoặc kết hợp với các nguồn lực bên ngoài để phù hợp hơn với các xu hướng phát triển.

Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là đang có ba xu hướng lớn và cũng là những cơ hội đầy tiềm năng trong thời gian tới cho các doanh nghiệp.

Xu hướng Affiliate - tiếp thị liên kết đang ngày càng bùng nổ. Khái niệm người có sức ảnh hưởng, giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả ở trên mạng, bây giờ không chỉ là người nổi tiếng KOLs, mà đã được mở rộng ra cả những người tiêu dùng có uy tín KOCs. Những người có vài người theo dõi ở trên mạng thôi Micro hay Nano KOCs cũng có thể là một công cụ cực kỳ hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp cả về thương hiệu và doanh số nếu biết cách khai thác.

Xu hướng Brandformance: Kết hợp giữa Xây dựng thương hiệu (Branding) và Tối ưu hiệu suất Marketing (Performance) trong cùng một thời điểm. Tức là nhờ công nghệ ma trận hiển thị video của mạng xã hội, một người khi lướt mạng có thể chuyển biến từ trạng thái chưa biết gì về sản phẩm, thương hiệu, sang trạng thái biết, hiểu, tin và mua sản phẩm.

Xu hướng Cross border hay còn gọi là bán hàng xuyên biên giới. Các doanh nghiệp sản xuất khi tham gia chương trình bán hàng toàn cầu của các sản thương mại điện tử thì có thể xuất khẩu trực tuyến thuận lợi hơn rất nhiều so với xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là tại thị trường Đông Nam Á.

Cửa hàng bán lẻ ngày càng ít

Có thể thấy, ưu điểm lớn nhất của thương mại điện tử đó là giúp hàng hoá có thể đi thẳng từ người sản xuất đến người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian. Khách hàng vì thế được mua với giá cả rẻ hơn, mà trải nghiệm lại thuận tiện hơn trong thời buổi kinh tế còn khó khăn. Thế nhưng, các hàng mặt phố bị bỏ trống ngày một nhiều, còn các cửa hàng trong các trung tâm thương mại lại có tỷ lệ lấp đầy cao hơn.

Chuỗi Nhà hàng Bánh tráng thịt heo Giang Mỹ đang kinh doanh 10 nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. 6 nhà hàng ban đầu, tiêu chí của doanh nghiệp là sẽ chỉ chọn những mặt bằng ở những mặt phố lớn. Thế nhưng với 4 nhà hàng sau này, doanh nghiệp thay đổi, chỉ lựa chọn những mặt bằng lớn trong các trung tâm thương mại.

Các nhà hàng thuê ở mặt phố của doanh nghiệp này với lợi thế là gần gũi quen thuộc thì thường đông khách dịp trong tuần. Thế còn những nhà hàng thuê ở trung tâm thương mại thế này với lợi thế là rộng rãi tiện nghi thì thường đông khách vào dịp cuối tuần. Hiện nay sự tiện nghi rộng rãi dường như đang được ưu tiên nhiều hơn. Lượng khách tới các nhà hàng ở trung tâm thương mại đang tăng gấp rưỡi. Còn khách tới các nhà hàng ở mặt phố đang giữ nguyên hoặc giảm.

Gần 60% doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội - Ảnh 3.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các trung tâm thương mại chiếm được ưu thế thế so với các mặt bằng bán lẻ trên các tuyến phố đó là sự đồng hành cùng doanh nghiệp thuê mặt bằng.

Theo thống kê của các sàn môi giới bất động sản, tỉ lệ các mặt bằng ở mặt phố bỏ trống không có người thuê đang chiếm khoảng 20 đến 25%. Tỉ lệ này ở TP Hồ Chí Minh đang cao hơn so với Hà Nội. Trong khi đó, trong các trung tâm thương mại, tỉ lệ lấp đầy đang ngày một cao.

Ông Lê Văn Chiến - Tổng Giám đốc Công ty Đỗ Đầu Việt Nam nhận định: "Một là những trung tâm thương mại rất là lớn như Aeon mall, Lotte… nơi quy tụ rất nhiều khách hàng, tạo ra được những hệ sinh thái về tiêu dùng và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tỉ lệ sẽ ngày càng lấp đầy và hiếm. Thứ hai là những trung tâm thương mại cỡ nhỏ phục vụ cư dân tại chỗ như các khối đế chung cư với tiện ích như ăn uống cắt tóc gội đầu hiệu thuốc cũng sẽ rất phát triển".

Một trong những nguyên nhân chính khiến các trung tâm thương mại chiếm được ưu thế thế so với các mặt bằng bán lẻ trên các tuyến phố đó là sự đồng hành cùng doanh nghiệp thuê mặt bằng. Đồng hành từ việc chia sẻ doanh thu, cho tới đồng hành trong marketing quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mặt bằng trung tâm thương mại cũng thường đã đáp ứng sẵn các quy định pháp lí về công năng và phòng cháy chữa cháy.

Cơ hội chuyển đổi mô hình kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ

Sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đòi hỏi giá cả hợp lí và trải nghiệm tiện ích, đang tạo áp lực buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ phải thay đổi trong phương thức và chiến lược kinh doanh của mình. Trong xu thế thay đổi này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều những lợi thế.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa. Mặt bằng kinh doanh hiệu quả không nhất thiết phải đầu tư lớn và rộng, mà quan trong là sự linh hoạt và liên tục thay đổi của mô hình kinh doanh, đặc biệt hướng tới người tiêu dùng trẻ.

Ngay trong các trung tâm thương mại lớn nhất cũng luôn có những phân khúc mặt bằng cho nhóm doanh nghiệp này.

Siết quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng Siết quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng

VTV.vn - Tại Hà Nội, thuế thu từ thương mại điện tử đạt gần 10.000 tỷ đồng, gồm: sàn thương mại điện tử 2.500 tỷ; doanh nghiệp 6.700 tỷ; hộ kinh doanh và cá nhân 700 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước