Hình ảnh tại buổi họp báo công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. (Ảnh: VOV)
Sáng nay (28/4), Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo công bố Sách trắng Hợp tác xã và Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Đây được xem là bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động của hợp tác xã và các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2018 - nay
Về số lượng, cả doanh nghiệp và hợp tác xã đều tăng trong thời gian qua. Cụ thể, cả nước hiện có gần 22.900 hợp tác xã, tăng 8,8%, còn doanh nghiệp cũng đã cán mức hơn 758.600 tăng trên 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, xét về chất lượng hoạt động, nguồn vốn sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp lên tới gần 39 triệu tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ tăng hơn 2%, thấp hơn rất nhiều tốc độ tăng vốn. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi chỉ chiếm 44,1%; kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%, còn kinh doanh thua lỗ lên tới 48,4%. Doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực duy nhất tạo ra lơi nhuận trước thuế tăng so với năm trước đó còn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước đều giảm.
Trên cả nước, mật độ doanh nghiệp hiện ở mức 7,9/1000 dân nhưng chỉ 8 địa phương có mật độ cao hơn mức này, trong khi 55 địa phương thấp hơn nhiều so với mức bình quân. Điều này cho thấy, ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chung của cả nước, các địa phương cũng cần chú ý hơn nữa đến các chính sách cụ thể để phát triển doanh nghiệp tại địa bàn.
Dù số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục vào năm ngoái nhưng đến tháng 4 năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã sụt giảm hẳn do tác động của dịch COVID-19. Như vậy, việc phát triển doanh nghiệp năm nay sẽ gặp khó cả về số lượng và chất lượng sức khỏe doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!