EU áp thuế carbon: Thách thức chồng thách thức

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 15/09/2023 13:31 GMT+7

VTV.vn - Việc EU áp thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động đến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong khi đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Từ ngày 1/10 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện thí điểm một quy định mới, theo đó áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này. Mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.

Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Như vậy, bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của EU.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ áp giá carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12/2022.

"Đây là một thỏa thuận lịch sử. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong ít nhất 2 thập kỷ qua. Giờ đây chúng tôi đã thành công. Liên minh châu Âu là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới áp giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu", ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu, cho biết.

Theo quy định mới, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu và sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Việc này nhằm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa châu Âu vốn có giá cao hơn do phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về phát thải.

Các chuyên gia cho rằng, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu của EU tại châu Á gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế

Những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ tác động đến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong khi đây lại là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

EU áp thuế carbon: Thách thức chồng thách thức - Ảnh 1.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kinh tế tuần hoàn sẽ khiến đơn hàng ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đặc biệt khi kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục đà suy thoái, nhu cầu tiêu thụ của người dân thế giới với các mặt hàng vốn được coi là không thiết yếu này cũng giảm theo. Thách thức chồng thách thức.

Quy định chống phá rừng của EU sẽ áp dụng từ 30/12/2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm: ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ và các mặt hàng khác.

Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu vào EU, thí điểm áp dụng từ 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026 với hàng chục mặt hàng.

Ngoài ra còn nhiều quy định khác. Ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động trước tiên.

"Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa "tiêu thụ và vứt bỏ", loại bỏ các sản phẩm có "vòng đời ngắn" và nền kinh tế "tạo rác". Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, cho hay.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm sẽ không chỉ trong ngắn hạn. Kinh tế tuần hoàn sẽ khiến đơn hàng ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải.

"Xu thế số lượng đơn hàng không tăng trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn. Thứ là yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đời sản phẩm dài, được sử dụng nhiều", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay.

Theo ghi nhận, với 1 chiếc áo khoác thể thao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tất cả nguyên vật liệu để sản xuất ra chiếc áo khoác này từ vải cho đến khóa, thậm chí là những chiếc khuy nhỏ đều được sản xuất từ 100% nguyên vật liệu tái chế và có thể phân hủy được. Điều này được thể hiện rõ ràng bên trong thân áo in chi tiết. Đây là một trong những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải thích ứng.

Những đòi hỏi, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ những biến động mới để xoay xở để thích ứng.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tác động thế nào đến hàng xuất khẩu của Việt Nam? Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tác động thế nào đến hàng xuất khẩu của Việt Nam?

VTV.vn - Từ 1/10 năm nay, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước