Thời điểm phù hợp đầu tư đường sắt tốc độ cao

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/09/2024 07:02 GMT+7

VTV.vn - Với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại.

Với tổng sản phẩm trong nước năm nay ước đạt trên 465 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010, nợ công chỉ khoảng 37% tổng sản phẩm trong nước và thu nhập bình quân đầu người ước vượt 4.500 USD vào cuối năm nay. Việt Nam hiện đạt mức tương đồng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới khi bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao.

Còn theo Bộ Tài chính, với số vốn bình quân cho dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao khoảng 5,6 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước đều thấp hơn ngưỡng cho phép từ 5 đến 15%. Như vậy, với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao không còn là trở ngại.

Thời điểm phù hợp đầu tư đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Thời điểm phù hợp đầu tư đường sắt tốc độ cao

Những toa xe này được khai thác từ những năm 50-60. Những chiếc mới hơn cũng từ những năm 70. Ngành đường sắt hiện có hơn 1.400 toa xe hàng và gần 170 toa xe khách đã khai thác hơn 40 năm, trong đó nhiều cái đã hết niên hạn. Các đầu máy cũng không khá hơn khi một số thiết bị đã được đại tu tới lần thứ ba và không thể mua vật tư, phụ tùng thay thế do đã dừng sản xuất.

Nhu cầu vận tải tới năm 2050 của đường sắt là vận tải hàng hoá bằng đường sắt khoảng 18,2 triệu tấn/năm; vận tại hành khách là 119,4 triệu lượt hành khách/năm. Với những con số này, có thể thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải có ngay một tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại, vận chuyển khối lượng lớn, mới có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng cao.

Hành lang kinh tế Bắc Nam kết nối 20 tỉnh, Thành phố là hành lang kinh tế quan trọng nhất của cả nước khi đóng góp trên 50% GDP. Do vậy, đầu tư đường sắt tốc độ cao hiện đại sẽ giúp thúc đẩy và tạo đà bứt phá cho tuyến hành lang kinh tế này.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Về điều kiện đủ, chúng ta đang có đủ nguồn lực để có thể đầu tư xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt một cách hiện đại, vì nợ công của chúng ta hiện nay đang rất thấp. Chính đây là dư địa để chúng ta huy động được các nguồn lực cho đầu tư".

Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ: "Đến thời điểm này, chúng ta bàn về xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam đã chậm so với thế giới và so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam".

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ giúp hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững, phát huy tối đa lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường. Đây cũng là giải pháp hợp lý và cấp thiết ở thời điểm hiện nay trong việc thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước