Được giãn, hoãn nợ, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó

Hoài Linh-Thứ năm, ngày 18/05/2023 17:57 GMT+7

VTV.vn - Sau khi NHNN ban hành Thông tư 02, nhiều ngân hàng đã xem xét giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một số DN, hiệp hội DN, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp.

Gần 1 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 về việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho những khách hàng gặp khó khăn, các ngân hàng đã và đang xem xét khoanh nợ cho khách hàng. Thời gian cơ cấu nợ sẽ phụ thuộc từng nhóm khách hàng, tính chất khoản vay, với thời gian cơ cấu nợ tối thiểu là 1 tháng.

Những khó khăn của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó. Lợi nhuận sau thuế quý I âm. Chi phí lãi vay tương đương gần 11,5% doanh thu bán hàng trong quý I. Trong khi các quý trước đó, chi phí lãi vay chỉ khoảng 3 - 5%.

Đã làm việc với ngân hàng và được cơ cấu nợ, tuy nhiên cái khó là làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng.

"Ngân hàng đã đồng ý giãn 9 tháng. Tuy nhiên để được giải ngân, còn nhiều điều kiện khác mà không phải ngân hàng nào cũng có thể xử lý được", ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Hòa Bình, cho biết.

Được giãn, hoãn nợ, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần chủ động làm hồ sơ đề nghị giãn, hoãn nợ nếu có nhu cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Ghi nhận bước đầu, có doanh nghiệp chỉ được giãn nợ 1 tháng, hoặc 3 tháng, trong khi thời gian cơ cấu nợ tối đa Ngân hàng Nhà nước cho phép là 12 tháng.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, khi thực hiện giãn nợ, các ngân hàng sẽ phải xem xét về khả năng trả nợ sau đó, cộng với tiến hành trích lập dự phòng rủi ro, tăng thêm chi phí. Do đó, các ngân hàng sẽ rất thận trọng trong việc xem xét hoãn nợ cho khách hàng.

"Chúng tôi sẽ lọc rất là kỹ, những khách hàng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng người ta gặp khó khăn thì sẽ hỗ trợ cho người ta. Còn những khách hàng vẫn có khả năng trả nợ thì chúng tôi động viên người ta trả nợ", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho hay.

Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Thông tư 02 giao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng. Việc giãn, hoãn nợ ở quy mô nào, thời gian bao lâu, sẽ do chính các ngân hàng xem xét dựa trên khả năng trả nợ của khách hàng.

"Về mặt quy định, các ngân hàng phải hỗ trợ cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng của ngân hàng được hỗ trợ, được cơ cấu nợ có đơn đề nghị để ngân hàng thực hiện. Ngân hàng nào không thực hiện chúng tôi sẽ có giải pháp về quản lý để đảm bảo chính sách này được thực thi công khai, minh bạch và đúng đối tượng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Sau khi Thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhiều ngân hàng đã ngay lập tức triển khai và xem xét giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp, do đó các doanh nghiệp cần chủ động làm hồ sơ đề nghị giãn, hoãn nợ nếu có nhu cầu.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất cao đến 10%, hoặc thậm chí rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước