Sáng 8/6, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua 2 Nghị quyết quan trọng về kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.
EVFTA và EVIPA trở thành cao tốc quy mô lớn, hiện đại, đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường 18.000 tỷ USD.
Hiệp định EVFTA có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chờ đợi gần 10 năm để có được ngày hôm nay. Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thông qua càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa làm đứt gãy hàng loạt các chuỗi cung ứng. Ngay chiều 8/6, vào lúc 16h45 phút, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương điện đàm với Cao ủy Thương mại EU
Tại buổi điện đàm, Phía EU đánh giá cao sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định và coi đây là sự kiện có ý nghĩa "lịch sử" trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.
EU đề nghị đưa Hiệp định vào thực thi từ ngày 1/8 tới đây. Đồng thời, hai bên đã thống nhất thúc đẩy sớm triển khai Dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN, là một chương trình kéo dài 5 do EU tài trợ với tổng ngân sách là 6 triệu Euro, với mục tiêu góp phần hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các hoạt động hỗ trợ cho khu vực công và tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương điện đàm với Cao ủy Thương mại EU
Việt Nam cũng đang triển khai các bước trong nội bộ để có thể thành lập một nhóm Nhóm tư vấn trong nước (DAG) trong Hiệp định EVFTA. Cao ủy EU cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công nhận EU là một thực thể trong các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng của Việt Nam có lợi thế vào EU
Nông sản của Việt Nam được xem là một trong những ngành hàng đang đứng trước nhiều lợi thế vào EU như: cà phê, hạt tiêu, rau quả, mật ong tự nhiên, gạo…
Thuế xuất khẩu từ 5% - 20% sẽ được giảm về 0%, nông sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường EU. Để nắm bắt được cơ hội trên ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm đối tác, chuẩn bị vùng nguyên liệu, đầu tư thêm vào công nghệ chế biến sau thu hoạch từ nhiều năm nay, để nông sản vào EU không chỉ tăng trưởng về mặt số lượng mà còn lâu dài, bền vững.
EVFTA thông qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt dễ dàng "tiến" vào EU
Chạy ngược, chạy xuôi nhiều tháng nay, chị Đỗ Kim Thông (Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Kim Thông) cũng đã làm thủ tục gom được 100 ha đất trồng cây Sachi đầu tiên cho một đối tác người Italy. Theo yêu cầu của phía bạn, họ cần quy mô vùng nguyên liệu khoảng 500 ha. Với hợp tác xã của chị Thông, EVFTA thúc đẩy cho họ mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.
Hơp tác xã đã đầu tư 50 tỷ đồng thuê đất, liên kết với người nông dân. Ước tính, mỗi ha trồng Sachi sẽ cho ra 5 - 7 tấn hạt thô, nhiều đối tác từ Italy và Đức đã tìm đến hợp tác xã cam kết bao tiêu hàng trăm tấn hạt thô mỗi năm.
Dự kiến, HTX Kim Thông sẽ xuất khẩu lô hạt Sachi đầu tiên sang Italy vào quý I/2021, với sản lượng khoảng 50 tấn và giá trị trên 40 tỷ đồng mỗi năm.
Theo các chuyên gia, các quốc gia có hệ thống bán lẻ phát triển như Italy, Pháp sẽ là thị trường tiềm năng cho những sản phẩm của Việt Nam. Người tiêu dùng châu Âu có xu hướng sử dụng những sản phẩm từ một chuỗi cung ứng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và họ sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm này.
Doanh nghiệp dệt may, da giày "tính kế" trước khi EVFTA có hiệu lực
Hai nhóm ngành dệt may và da giày được cho là hưởng lợi nhất khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, khi thuế giảm về 0%, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ. Nhìn lại thực tế, tỷ lệ nội địa hóa hàng may mặc mới chỉ đạt từ 45% - 50%, còn lại là nhập khẩu. Tuyến đường cao tốc đã mở ra, nhưng để doanh nghiệp tìm đường đến với cao tốc vẫn còn không ít gian nan.
Dệt may và da giày được cho là hưởng lợi nhất khi EVFTA có hiệu lực. (Ảnh: Dân trí)
Giầy thể thao, giầy vải và giầy cao su là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đã được chủ động về nguyên liệu, đảm bảo quy tắc xuất xứ.
Dù đã đầu tư vào ngành dệt nhuộm, tuy nhiên các doanh nghiệp đều cho rằng, "nút thắt" tận dụng ưu đãi xuất xứ từ vải vẫn chưa vượt qua được.
Châu Âu là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, giá trị 250 tỷ USD. Việt Nam hiện chỉ mới chiếm thị phần khoảng 2% lượng nhập khẩu dệt may từ ngoài khối EU.
Ngoài nông sản, dệt may, da giày, thủy sản, các nhóm sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan, hay đường, gạo cũng có những ưu đãi về hạn ngạch ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
EVFTA - Cơ hội khơi thông dòng chảy đầu tư từ châu Âu
Ngoài dòng chảy thương mại, một dòng chảy quan trọng khác giữa EU và Việt Nam cũng cần được khơi thông, đó là dòng chảy đầu tư. Trên thực tế, sau hơn 30 năm thu hút FDI, dù rất mong muốn và kỳ vọng nhưng Việt Nam chỉ thu hút được một khoản vốn khiêm tốn từ các nhà đầu tư châu Âu.
Lũy kế cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 376 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vốn đầu tư của châu Âu chỉ là 27,5 tỷ USD, nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi khi EVFTA có hiệu lực.
EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho thu hút đầu tư của Việt Nam.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều quốc gia thuộc EU hiểu họ không thể không đa phương hóa thương mại, tránh bỏ trứng vào một rổ, nhưng từ nhận thức đến hành động chỉ đến khi COVID-19 xảy ra.
Theo Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti, Việt Nam là quốc gia thứ 2 tại khu vực có ký FTA với EU, nhưng lại là ứng cử viên hàng đầu.
Nếu trước đây nhà đầu tư EU vẫn sợ sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch của chính sách thì với EVFTA và EVIPA, họ có cơ sở hơn để tin vào sự thay đổi của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư quốc tế. Nhưng cái khó là vừa tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, nhưng lại vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Vì với một đất nước có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam cũng không khỏi lo việc bị lép vế trên chính sân nhà.
Theo TS. Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam), doanh nghiệp Việt cần phải có một tinh thần cầu thị, bởi bước đầu chắc chắn là doanh nghiệp nước nhà sẽ phải chịu lép vế trước doanh nghiệp EU. Tuy nhiên giống như trường hợp của Hàn Quốc, sau vài năm tích lũy về tư bản về công nghệ, doanh nghiệp Việt và kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên.
Chủ tịch EuroCham cho rằng, trong bối cảnh thương mại có nhiều biến động như hiện tại, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được coi là một điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Có những điều khoản sẽ được thực thi ngay khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định, các Bộ ngành cũng chủ động ban hành các văn bản thực thi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
EVFTA được coi là "cú hích" cho xuất khẩu, nhập khẩu và thị trường nội địa của Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn thế giới bị ngưng trệ, đứt gãy, cơ hội càng lớn hơn bao giờ hết. Cơ chế đã, đang và sẽ có, thời gian Hiệp định có hiệu lực 1/8 đã rất cận kề, việc doanh nghiệp cần làm là bắt ngay vào nhịp độ, đừng để trở thành những chiếc xe thô sơ và đừng để "hỏng hóc", hay "hết xăng" trên cao tốc EVFTA.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!