Đưa nông sản đặc trưng vào thị trường lớn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 18/08/2024 06:48 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai chương trình Kết nối cung - cầu, với mục tiêu đưa nông sản đặc sản đến các thị trường lớn trong nước.

Thời gian qua, hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai chương trình Kết nối cung - cầu, với mục tiêu đưa nông sản đặc sản đến các thị trường lớn trong nước. Việc này đang góp phần tạo đầu ra bền vững và giảm thiểu tình trạng "được mùa mất giá". Một ví dụ điển hình của nỗ lực này là tỉnh Quảng Ngãi, áp dụng mô hình "liên kết 3 nhà" để đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Nổi danh bởi có mùi thơm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu cao nên tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng làm gia vị. Tuy nhiên, tình trạng "được mùa mất giá" lâu nay khiến người trồng tỏi luôn thấp thỏm, lo lắng. Điều này đã được thay đổi đáng kể nhờ vào mô hình "liên kết 3 nhà" - một sự kết hợp hiệu quả giữa nhà nông, chính quyền và doanh nghiệp.

Ông Lê Hoài Ân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: "Sau một năm ký kết cùng với nông dân Lý Sơn, tỏi Lý Sơn chúng tôi giữ được giá và đầu ra ổn định. Bà con nông dân rất vui mừng và phấn khởi".

Hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao giá trị các đặc sản Việt Nam là một phần trong chiến lược lâu dài của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Những doanh nghiệp này cam kết triển khai mô hình "3 nhà" nhằm đưa nông sản đặc trưng không chỉ vào các thị trường trong nước mà còn ra thị trường quốc tế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bán lẻ còn cung cấp vốn để giúp chính quyền huyện đảo Lý Sơn mở rộng hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng trồng tỏi.

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi đưa ra nhận định: "Đối với huyện chúng tôi là hơn 300 ha thì chắc chắn là việc cung cấp trong thời gian tới chúng tôi đảm bảo các chất lượng và sản lượng".

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Để khắc phục những hạn chế của ngành sản xuất trồng trọt nói riêng cũng như sản xuất nông nghiệp nói chung là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát thì chúng ta cần phải có tổ chức lại sản xuất để tạo ra một vùng sản xuất đủ lớn. Chúng ta sản xuất ra lượng sản phẩm, ổn định về số lượng, ổn định về chất lượng và ổn định về giá cả thì chúng ta muốn đảm bảo sự cạnh tranh trong thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế".

Việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi đang mang lại hiệu quả tích cực. Nó không chỉ giúp xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị kinh tế cho các đặc sản địa phương mà còn góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước