Đồng USD "chao đảo" trước thềm bầu cử Mỹ

P.V-Thứ hai, ngày 04/11/2024 13:56 GMT+7

VTV.vn - Phiên giao dịch đầu tuần 4/11, đồng USD giảm 0,3% so với đồng yen xuống còn 152,45 yen/USD.

Đồng USD giảm giá tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần 4/11 trong bối cảnh các nhà đầu tư chuẩn bị cho một tuần đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu, với việc cử tri Mỹ bầu Tổng thống mới và khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ tác động mạnh đến lợi suất trái phiếu.

Đồng euro tăng 0,4% lên 1,0876 USD/euro nhưng sau đó đối mặt với mức kháng cự 1,0905 USD/euro. Trong khi đó, đồng USD giảm 0,3% so với đồng yen xuống còn 152,45 yen/USD. Chỉ số đồng USD giảm 0,3% xuống 103,94.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris, và ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đang bám đuổi sát nút trong các cuộc thăm dò dư luận và có thể chưa được xác định được ngay người chiến thắng sau khi kết thúc bỏ phiếu.

Giới phân tích cho rằng các chính sách của ông Trump về nhập cư, cắt giảm thuế và thuế quan sẽ gây áp lực tăng lạm phát, lợi suất trái phiếu và tỷ giá USD, trong khi bà Harris được xem là ứng cử viên duy trì chính sách kinh tế và thương mại hiện tại.

Việc đồng USD giảm giá ban đầu có thể liên quan đến một cuộc thăm dò uy tín cho thấy bà Harris bất ngờ dẫn trước 3 điểm phần trăm tại bang Iowa, nơi nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri nữ.

Đồng USD chao đảo trước thềm bầu cử Mỹ - Ảnh 1.

Đồng USD. (Ảnh: Getty Images)

Nhà phân tích Chris Weston tại công ty môi giới Pepperstone nhận định nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Trump sẽ có lợi cho đồng USD. Trong trường hợp nếu ông Trump thắng cử và đảng Cộng hòa kiểm soát cả Quốc hội, thì khả năng USD tăng mạnh là rất cao do tác động của các chính sách tài khóa đối với thị trường trái phiếu. Còn nếu bà Harris thắng cử với một Quốc hội chia rẽ thì sẽ dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường, đảo ngược các xu hướng được dự đoán dưới chiến thắng của ông Trump.

Tình hình không không chắc chắn về kết quả bầu cử là một trong những lý do khiến thị trường dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 7/11, thay vì mức giảm 0,5 điểm phần trăm như trước đó.

Thị trường dự đoán 99% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn 4,50%-4,75%, và 83% khả năng sẽ có một đợt cắt giảm tương tự vào tháng 12/2024.

Nhà kinh tế Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs, dự đoán Fed sẽ có bốn lần cắt giảm lãi suất liên tiếp trong nửa đầu năm 2025, xuống biên độ cuối cùng là 3,25%-3,5%, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn về cả tốc độ và điểm dừng cuối cùng của chu kỳ giảm lãi suất này.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng sẽ họp vào ngày 7/11 và dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Trong khi đó, Riksbank, ngân hàng trung ương Thụy Điển, được dự đoán sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và Norges Bank, ngân hàng trung ương Na Uy, dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) sẽ nhóm họp vào ngày 5/11 và cũng được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất.

Quyết định của BoE trở nên phức tạp hơn do sự bán tháo mạnh trái phiếu Chính phủ Anh sau khi kế hoạch ngân sách của chính phủ được công bố trong tuần trước, khiến đồng bảng Anh giảm giá.

Vào đầu giờ sáng ngày 4/11, đồng bảng Anh đã lấy lại một phần đà giảm, giao dịch ở mức 1,2963 USD/bảng Anh, cao hơn so với mức "đáy" 1,2841 USD/bảng Anh tuần trước.

Kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ được tổ chức từ ngày 4-8/11 tới, cũng được kỳ vọng sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Các nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc phê duyệt phát hành thêm hơn 10.000 tỷ NDT (1.400 tỷ USD) trái phiếu chính phủ trong vài năm tới để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước