Một Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Việt Nam của tôi, điểm đến đầu tư của bạn” do Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa diễn ra tại New York - Mỹ. Hội nghị đã thu hút khoảng 150 quỹ đầu tư nước ngoài tham dự.
Một trong những điểm mà các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất tại hội nghị lần chính là Nghị định 60 vừa được Chính phủ ban hành, hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng - thuật ngữ mà các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn gọi là “nới room” cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ mức sở hữu 49% lên tới 100%.
Tỷ phú Mỹ Phil Falcone đang là nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam, với dự án Hồ Tràm trị giá 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa, Vũng Tàu. Không dừng ở đây, nhà tỷ phú này cho biết, ông đang có ý định rót một khoản vốn ban đầu khoảng 30-40 triệu USD vào một vài lĩnh vực khác khi Việt Nam chính thức mở room cho các nhà đầu tư ngoại.
Tỷ phú Philip A. Falcone, TGĐ quỹ Harbinger, Mỹ nói: “Công nghệ, dịch vụ sẽ là những ngành hấp dẫn. Bản thân tôi quan tâm nhiều đến lĩnh vực giao thông, hay đầu tư vào các tổ hợp dịch vụ hàng không”.
Vậy ngành nghề nào được nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất khi tới đây họ được tăng mức sở hữu tối đa đối với nhiều doanh nghiệp đại chúng của Việt Nam? Ông Paul Voigt, Giám đốc điều hành Quỹ HC2, New York, Mỹ cho biết: “Năng lượng, khai mỏ, cho thuê văn phòng hoặc lĩnh vực giải trí casino sẽ là những thứ chúng tôi yêu thích”.
Ông Ed Allison, Giám đốc Quỹ đầu tư Lord Abbett, New Jersey, Mỹ nhận định: “Quỹ của tôi là quỹ đa ngành nên quan tâm nhiều lĩnh vực khác nhau. Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam. Dệt may là ngành được hưởng lợi, ngoài ra ngân hàng, bất động sản tôi cho là cũng rất đáng để quan tâm trong thời gian tới”.
Động thái mở room tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ được kỳ vọng sẽ kích thích luồng vốn gián tiếp chảy vào Việt Nam, mà sẽ có tác động tích cực đến tiến trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới. Đây có lẽ sẽ là những hàng hóa được nhiều nhà đầu tư ngoại chờ đợi.
Ông Joel Miller, Quỹ đầu tư Merron Group, Mỹ nói: “Công nghệ, điện lực, viễn thông vốn là ngành được quan tâm trên toàn thế giới. Dự đoán trong 10 năm tới sẽ có hàng nghìn tỷ USD được đổ vào ngành này trên toàn cầu. Thế nên, những doanh nghiệp được cổ phần hóa trong lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ”.
Ngày 1/9 tới, Nghị định 60 sẽ chính thức có hiệu lực. Sau Hội nghị, hầu hết các nhà đầu tư Mỹ cho biết, đang thực sự chờ đợi những hướng dẫn cụ thể tiếp theo từ Bộ Tài chính.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ rất nhanh, chúng tôi sẽ làm trong vòng tháng 7. Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%. Tôi cho rằng, đây là những điều kiện tốt thúc đẩy các dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, qua đó tái cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.