Nguyên nhân chính đến từ dự định thuế quan của chính quyền mới của Mỹ, bao gồm khả năng áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới việc đồng USD tăng giá, trong khi ECB có thể nới lỏng tiền tệ mạnh hơn do xuất khẩu suy giảm, kéo theo sự giảm giá của Euro.
Lần gần nhất đồng Euro giảm dưới 1 USD là vào năm 2022, khi châu Âu đối mặt suy thoái, xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng. Trước đó, Euro từng duy trì vị thế cao hơn USD trong hai thập kỷ, nhưng các yếu tố bất ổn địa chính trị và thương mại tiếp tục là rủi ro chính cho đồng tiền này trong tương lai.
Đồng USD. (Ảnh: Getty Images)
Kể từ cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11, chỉ số đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong một năm. Trong khi đó, đồng Euro đã giảm nhanh chóng, giảm xuống dưới 1,05 USD vào ngày 14/11 lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Chỉ hai tháng trước, đồng Euro giao dịch ở mức khoảng 1,17 USD.
Đề xuất áp thuế phổ cập 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc cùng với kế hoạch cắt giảm thuế và hạn chế nhập cư của chính quyền Trump nhìn chung được kỳ vọng sẽ thúc đẩy áp lực lạm phát tại Mỹ. Điều đó cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến và thận trọng hơn trong ngắn hạn.
"Đồng Euro đã chịu thiệt hại nhiều hơn hầu hết các đồng tiền khác sau chiến thắng của ông Trump và chúng tôi nghi ngờ điều đó sẽ sớm chấm dứt", James Reilly, nhà kinh tế thị trường cấp cao của Capital Economics cho biết với dự báo đồng Euro sẽ ngang bằng với đồng USD vào cuối năm 2025.
"Cũng giống như Fed có thể tiến hành cắt giảm lãi suất chậm hơn và thúc đẩy đồng đô la, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hiện có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn so với bình thường trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại", ông cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!