Doanh số bán xe điện có thể giảm gần 30% nếu ông Trump bãi bỏ ưu đãi thuế

P.V-Thứ hai, ngày 25/11/2024 06:58 GMT+7

VTV.vn - Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông bãi bỏ khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD dành cho xe điện (EV), tác động sẽ rất lớn.

Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra ưu đãi thuế này cho xe điện cá nhân, cùng nhiều ưu đãi khác cho xe điện thương mại và sản xuất pin. Từ khi được ban hành năm 2022, luật này đã giúp doanh số xe điện tăng mạnh.

Năm 2023, năm đầu tiên ưu đãi được áp dụng toàn diện, doanh số bán xe điện tăng 46% so với năm trước, đạt gần 1,19 triệu chiếc từ mức chỉ 813.000 chiếc của năm 2022, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu và định giá xe ô tô Kelley Blue Book.

Một báo cáo gần đây có tiêu đề "Tác động của chính sách 'Mua hàng Mỹ': Xe điện và Đạo luật Giảm Lạm phát" do các nhà nghiên cứu Joseph Shapiro, Hunt Allcott, và Felix Tintelnot thực hiện đã định lượng ảnh hưởng của khoản ưu đãi thuế này.

Dựa trên mô hình và mô phỏng, báo cáo ước tính doanh số bán xe điện tại Mỹ sẽ giảm 27% nếu khoản ưu đãi thuế này bị bãi bỏ. Cụ thể, số lượng đăng ký xe điện sẽ giảm từ gần 1,19 triệu chiếc xuống còn 867.000 chiếc. Bloomberg News là nơi đầu tiên đưa tin về kết quả này.

"Chúng tôi lấy dữ liệu của mùa Hè 2023, áp dụng các điều kiện về cung và cầu hiện tại, sau đó loại bỏ ưu đãi thuế xe điện để xem doanh số sẽ giảm thế nào", Phó giáo sư kinh tế Joseph Shapiro tại Đại học UC Berkeley, đồng tác giả báo cáo, giải thích với Yahoo Finance.

Với mức tăng trưởng doanh số gần 40% của năm ngoái, việc mất khoản ưu đãi thuế này sẽ là "một thay đổi đáng kể", Phó giáo sư Shapiro cho biết. Theo chuyên gia này, "7.500 USD không phải con số nhỏ".

Tuy nhiên, Phó giáo sư Shapiro cũng lưu ý rằng dù mức giảm 27% là đáng kể, tác động thực tế có thể không nghiêm trọng đến thế. Ông cho rằng thị trường xe điện vẫn đang tăng trưởng nhanh và việc mất ưu đãi có thể chỉ làm doanh số "đi ngang".

Song song với đó, chuyên gia Shapiro và các đồng tác giả báo cáo nhận xét rằng thiết kế của khoản ưu đãi thuế hiện tại chưa thực sự hiệu quả. Họ đề xuất các khoản trợ cấp khác nhau cho từng loại xe. Ví dụ, một số xe điện cỡ lớn gây ra "ngoại tác tiêu cực lớn" như nguy cơ tai nạn nghiêm trọng cao hơn và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.

"Hiện chúng ta đang áp dụng cùng mức trợ cấp 7.500 USD cho hầu hết các xe, trong khi nên ưu tiên trợ cấp thấp hơn cho các xe có chi phí xã hội lớn hơn. Điều này sẽ giúp các khoản trợ cấp có lợi hơn cho xã hội", chuyên gia Shapiro chia sẻ.

Trong ngắn hạn, việc bãi bỏ ưu đãi thuế sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất xe điện, buộc họ phải tìm cách bù đắp, có thể bằng cách giảm giá mạnh hơn. "Nếu không còn ưu đãi, giá xe điện sẽ tăng đáng kể, tạo áp lực giảm doanh số trong những năm tới, trừ khi các nhà sản xuất bù đắp bằng cách giảm giá", chuyên gia Adam Jonas của Morgan Stanley nhận định.

Morgan Stanley dự đoán các hãng như Lucid, Rivian, và Tesla sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu ưu đãi bị bãi bỏ. Tuy nhiên, trong dài hạn, họ tin rằng việc sử dụng xe điện sẽ không chậm lại, bởi sự đổi mới công nghệ và quy mô sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, cải thiện hiệu suất.

Trung Quốc và EU đạt đồng thuận kỹ thuật về thuế quan xe điện Trung Quốc và EU đạt đồng thuận kỹ thuật về thuế quan xe điện

VTV.vn - Hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế cam kết giá - một hệ thống phức tạp nhằm kiểm soát giá và khối lượng xuất khẩu để tránh bị áp thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước