Theo một nghiên cứu mới của công ty tư vấn Bain & Company, sự gia tăng doanh số bán hàng túi xách, giày dép và quần áo xa xỉ trên toàn cầu sẽ phần nào chững lại trong năm nay, do áp lực lạm phát và nhiều người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. Điều này sẽ khiến các thương hiệu phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh, chuyển trọng tâm sang nhóm khách hàng có mức chi tiêu lớn nhất, nhằm đảo bảo sự ổn định về doanh số.
Theo Bain & Company, sau giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ hậu đại dịch COVID-19, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân trên toàn thế giới trong năm 2024 sẽ không thay đổi nhiều so với mức 388 tỷ USD trong năm ngoái. Trên thực tế, ngay trong quý I, thị trường đã ghi nhận sự suy giảm ở nhiều khu vực do áp lực kinh tế vĩ mô. Áp lực lạm phát vẫn ở mức cao đã khiến nhiều người tiêu dùng có sự thận trọng hơn trong chi tiêu.
Bà Claudia Darpizio - Đối tác cấp cao, công ty Bain & Company cho biết: "Thị trường đang có sự phân cực mạnh mẽ. Những người rất giàu có vẫn mua hàng, trong khi các phân khúc thấp hơn có dấu hiệu suy giảm. Nhiều thương hiệu vẫn đang hoạt động khá tốt, nhưng một số thương hiệu khác nhìn chung đang gặp nhiều thách thức".
Doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu có thể chững lại trong năm 2024. Ảnh minh họa.
Nhóm khách hàng trẻ Gen Z - những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010 - từng là động lực quan trọng cho ngành hàng xa xỉ, giờ đây đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Điều này khiến họ phải trì hoãn các khoản chi tiêu không cần thiết cho những món hàng hiệu đắt tiền.
"Tôi không còn thích mua sắm một cách tùy hứng và đang dần ổn định hơn kể từ khi áp dụng cách chi tiêu thận trọng. Tôi nghĩ, mình chưa nên phá vỡ trạng thái cân bằng hiện nay", chị Sandra - Người tiêu dùng Trung Quốc cho hay.
Nhiều doanh nghiệp hàng xa xỉ hiện đã phải điều chỉnh chiến lược của mình, tập trung nhiều hơn vào phân khúc khách hàng giàu có, giảm bớt sự chú ý tới các khách hàng trung lưu và người tiêu dùng trẻ tuổi.
Bà Claudia Darpizio - Đối tác cấp cao, công ty Bain & Company nói: "Trong giai đoạn từ 2017 - 2019, động lực tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chủ yếu là thế hệ Gen Z, không chỉ tại Trung Quốc, mà còn ở Mỹ và châu Âu. Điều này vừa mang lại sự năng động cho thị trường, vừa tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đến các thế hệ khác. Tuy nhiên giờ đây, mục tiêu tiếp thị của các doanh nghiệp đang dịch chuyển vào các nhóm khách hàng giàu có hơn, ở đỉnh kim tự tháp và ít chú trọng hơn tới Gen Z".
Các chuyên gia dự báo, trong khi các thị trường Mỹ và Trung Quốc đối mặt với nhiều sức ép, Nhật Bản có thể là điểm sáng của ngành hàng xa xỉ thế giới năm nay, khi du khách nước ngoài đang đổ tới nước này mua sắm, để tận dụng lợi thế đồng Yen yếu. Xu hướng mua sắm tại châu Âu cũng sẽ tiếp tục mạnh mẽ, do chi tiêu du lịch và tiêu dùng nội địa tăng, đặc biệt là tại Pháp và Italy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!