Doanh nhân khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 13/10/2023 20:28 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân được ban hành, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Hôm nay (13/10) là ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày để tôn vinh các doanh nhân đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước. Trong dịp này, cộng đồng doanh nghiệp vừa đón nhận Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là sự động viên to lớn với đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Sau 37 năm đổi mới, hiện có khoảng 10 triệu doanh nhân, gần 900.000 doanh nghiệp, đóng góp 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị được ban hành thời điểm này tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Làm thế nào để khẳng định vị thế và tự tin hợp tác cùng thắng với các tập đoàn hàng đầu thế giới - đó là trăn trở cũng là quyết tâm của Tập đoàn Giza Group khi bắt tay vào các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng cao trong lĩnh vực ô tô, hàng không cách đây 10 năm.

Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Tập đoàn Giza Group cho biết: "Chúng tôi xác định đầu tư trọng tâm vào lực lượng kỹ sư và các bộ phận nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm để hiểu được các yêu cầu về thiết kế công nghệ của các đối tác, từng bước khẳng định khả năng đồng hành với họ trong các dự án".

Doanh nhân khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế - Ảnh 1.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị được ban hành thời điểm này tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh.

Bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp càng phải nâng cao sức cạnh tranh về quy mô, năng lực và trình độ để khẳng định vai trò dẫn dắt, có vị thế trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Đây là yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết lần này.

Bà Virginia Foote - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Việt Nam đánh giá: "Chúng tôi đánh giá cao về việc ban hành một Nghị quyết lần này, đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam làm chủ một số chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam cùng với các nhà đầu tư, đối tác Hoa Kỳ hình thành sự hợp tác bền chặt và hiệu quả hơn trong các lĩnh vực then chốt, nhất là ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện".

Sau thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân vươn mình trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường, rồi khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại toàn cầu (WTO) ghi nhận sự vươn mình để hội nhập quốc tế và nay doanh nhân đang đứng trước vận mệnh vươn mình để xứng với quốc gia phát triển thu nhập cao có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng đón nhận Nghị quyết ra đời. Yêu cầu đặt ra bây giờ doanh nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò nòng cốt. Nghị quyết đặt ra vấn đề xây dựng doanh nghiệp dân tộc tức là doanh nghiệp quốc gia không chỉ dựa vào sức mạnh bên ngoài, mà phải là nòng cốt, làm chủ, thể hiện cái rất mới cả về quan điểm và tư duy".

Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam đang kiên cường trong cơn bão kinh tế thế giới khó khăn. Cũng như nhiều bước đường thử thách trước đây, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chứng minh càng khó khăn, càng thể hiện bản lĩnh, kiên cường.

Đồng hành cùng doanh nhân

Nghị quyết 41 cũng đặt ra chính sách, ưu tiên hỗ trợ doanh nhân hoạt động ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các địa phương có thể chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ trong thẩm quyền, hoặc sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nhân trên địa bàn. Đây là nội dung rất được mong chờ.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lạng Sơn có hơn 500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Lần đầu tiên toàn tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp, với hàng trăm doanh nghiệp tăng vốn. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp, thời gian qua đã được giải quyết thông qua đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Hồ Phi Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho hay: "Quy hoạch đất đai đã được xử lý một bước là hết sức quan trọng. Còn quy hoạch xây dựng thì trong thời gian tới chúng tôi hi vọng đề nghị Sở Xây dựng và lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết nhanh gọn mới mong sản phẩm của doanh nghiệp mới được xuất khẩu đi ASEAN và các nước trong khu vực".

Doanh nhân khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế - Ảnh 2.

Với những địa phương còn nhiều khó khăn, vai trò của doanh nhân doanh nghiệp lại càng quan trọng. Vì đây là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho ngân sách. Nghị quyết đang được các địa phương xem như "kim chi nam" để tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp bền vững.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Phát huy cái vai trò của doanh nghiệp trong cái liên kết vùng là hết sức quan trọng. Chúng tôi cũng dự định là cầu nối là người đứng ra làm trung gian để kết nối giữa doanh nghiệp của Lạng Sơn với doanh nghiệp của trung du miền núi Bắc Bộ, cũng như doanh nghiệp của các thành phố lớn, tạo ra những chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh".

"Nghị quyết 41 cũng đã đề ra nhiệm vụ là phải xây dựng những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thì vai trò của các địa phương lại càng phải tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các bộ ngành liên quan và thậm chí cả cấp cao hơn để có thể có những đề xuất trong thẩm quyền của mình, hiện thực hoá các cơ chế thử nghiệm ấy. Đấy là điều các doanh nghiệp rất mong chờ", ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay.

Doanh nghiệp đôi khi không mong mỏi những cơ chế gì quá cao xa hay tốn kém mà cần những cơ chế, hành động cụ thể. Nghị quyết 41 được xem là đã mở đường cho các địa phương hành động cụ thể hơn nữa, hỗ trợ cho những mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa; luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Thời gian qua, những chính sách được ban hành, triển khai sớm và kịp thời cho thấy sự đồng hành, chia sẻ, lắng nghe với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhanh, mạnh và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước